Cần có Luật để kiểm soát ô nhiễm nước
Ô nhiễm nước đang có xu hướng gia tăng với mức độ báo động, nhưng những chính sách nhằm kiềm chế ô nhiễm nước chưa được thực hiện rốt ráo. Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng – Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khẳng định với Đại Đoàn Kết: "Cần thiết phải có Luật kiểm soát ô nhiễm nước và trách nhiệm bảo vệ nguồn nước phải được giao cho một đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm thực hiện”.
PV: Thưa bà, hiện tình trạng ô nhiễm nước rất đáng báo động và mức độ ô nhiễm có xu hướng gia tăng. Bà có thể cho biết thực trạng ô nhiễm nước của nước ta hiện nay?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Hiện nay, vấn đề ô nhiễm nước đã trở nên cực kỳ bức xúc từ thành thị đến nông thôn. Cụm từ "ô nhiễm nước” phổ biến tới mức trở thành cụm từ được nhắc tới thường xuyên tại các địa phương, các khu dân cư, khu chế xuất… Theo báo cáo hiện trạng môi trường nước do Tổng cục môi trường tổ chức năm 2014, hiện không chỉ những con sông lớn mà cả những nguồn nước cực kỳ nhỏ cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp, nước thải làng nghề, rác thải sinh hoạt không được xử lý gây ra. Tình trạng ô nhiễm này tiếp tục diễn biến và có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Có thể nói, câu chuyện ô nhiễm nước đã nghe thấy rất nhiều, nhưng vấn đề xử lý và cải thiện chưa đạt được những tiến bộ đáng kể.
Các quy định pháp luật của Việt Nam liệu đã đáp ứng được yêu cầu để kiểm soát ô nhiễm nước chưa, thưa bà?
- Đây là câu hỏi khiến tôi trăn trở. Chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường được thông qua 1993, sau đó là Luật Tài nguyên nước thông qua năm 1999. Trong 2 luật này đều có những điều, khoản, quy định khá cụ thể về kiểm soát ô nhiễm nước nhưng vì sao 2 Luật này đã được thực hiện từ nhiều năm nhưng vấn đề ô nhiễm nước vẫn đang có xu hướng ngày một trầm trọng hơn. Nếu xét từ 2 phía, việc phát triển kinh tế của nước ta đang phát triển với một tốc độ rất nhanh với mức độ tăng trưởng kinh tế từ 4-5%, có thể lên tới 6-7%/ năm khiến hệ lụy môi trường rất lớn, nhưng vấn đề công nghệ, tài chính để đầu tư giảm thiểu ô nhiễm nước chưa cân xứng. Việc này, nguyên nhân một phần do hệ thống luật của ta hiện nay chưa chặt chẽ. Luật Bảo vệ môi trường cũng như Luật Tài nguyên nước chỉ là những luật khung với những điều, khoản mang tính chất định hướng, tính nguyên tắc trong khi xử lý nguồn ô nhiễm nước cần có những biện pháp cụ thể, đòi hỏi chế tài cũng như nguồn tài chính rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm nước ngày một trầm trọng.
Với hiện trạng ô nhiễm nước hiện nay chúng ta phải nghĩ đến chuyện xây dựng một Luật kiểm soát ô nhiễm nước riêng trong những năm tới, nhưng trước mắt nên có quy định, quyết định chặt chẽ hơn để từng bước kiểm soát nguồn ô nhiễm nước.
Như bà vừa nói, chúng ta đã có những Luật khung về kiểm soát ô nhiễm nước nhưng chưa có Luật chi tiết, vậy trong thời gian tới chúng ta nên triển khai thế nào, thưa bà?
- Thực tế các điều liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước có rải rác trong Luật Bảo vệ môi trường, cũng như Luật Tài nguyên nước nhưng rất tản mát và không chi tiết nên khó thực thi. Mặc dù, việc kiểm soát ô nhiễm nước có rất nhiều bộ, ngành tham gia như ngành xây dựng tham gia xử lý cấp thoát nước, nước thải đô thị. Ngành Tài nguyên môi trường phụ trách chung về tài nguyên nước. Ngành y tế có trách nhiệm kiểm tra về chất lượng nước. Ngành công thương vừa là nơi xả thải ra nước nhưng cũng là nơi cần nhiều nước… Như vậy ngành nào, bộ nào cũng tham gia nhưng thực tế thì lại chưa có nơi nào đảm nhận trách nhiệm để có thể thay đổi hành vi cũng như quản lý ô nhiễm nước.
Luật kiểm soát ô nhiễm nước sẽ tạo ra cơ hội để điều phối, tạo ra sự quản lý ô nhiễm trên tổng thể và cũng tạo ra bộ khung để các ngành, các bộ làm theo. Có thể Bộ TN&MT nên đảm trách việc này.
Được biết, vai trò của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng với việc bảo vệ môi trường. Đối với việc kiểm soát ô nhiễm nước tại Hà Nội, vai trò của cộng đồng được thực hiện đến đâu, đặc biệt Hà Nội đã có dự án cải tạo hồ cũng như cải tạo nước sông Tô Lịch, thưa bà?
- Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước hay bất kể luật nào liên quan đến môi trường đều cần sự tham gia quyết liệt của cộng đồng. Nước, không khí là điều kiện tiên quyết trong đời sống hàng ngày, vì vậy trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong các quyết định hiện nay, Nhà nước đề cao rất lớn vai trò của cộng đồng tham gia vào bảo vệ môi trường. Hồ Hà Nội cũng là một ví dụ rất điển hình về sự tham gia bảo vệ môi trường của cộng đồng. Ngoài vai trò của Nhà nước mang tính quyết định thì sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường cực kỳ quan trọng và có tính quyết định. Cộng đồng là những người sẽ giúp cho Nhà nước giám sát được những vấn đề ô nhiễm, có thể là những người có những thông báo đầu tiên về các vấn đề ô nhiễm cũng là những người quyết định làm ô nhiễm tiếp hay không làm ô nhiễm tiếp. Chúng tôi nghĩ cộng đồng tham gia bảo vệ hồ Hà Nội là một điển hình để thay đổi hành vi. Công tác bảo vệ môi trường không chỉ trông chờ vào Nhà nước mà công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi sự tham gia của các bên, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các nhà khoa học. . . Khi nào chúng ta có cơ chế liên kết và tất cả cùng đồng lòng thì việc cải thiện, khôi phục môi trường mới có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo