Xã hội

Cần đề phòng dịch sởi bùng phát trong dịp nghỉ Tết

PGS, TS Nguyễn Như Dương - Viện Phó viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đến thời điểm này dịch sởi đã xuất hiện ở 16 tỉnh thành và 35 trẻ dương tính với vi rút sởi.

Ảnh minh họa.

 

Điều mà các chuyên gia dịch tễ cũng như PGS Dươnglo ngại nhất, dịp Tết Nguyên đán trùng với mùa đông xuân lạnh ẩm, mức độ giao lưu đi lại lớn, mức độ tiếp xúc do đi lại thăm hỏi chúc tết cũng rất cao, ăn uống liên hoan đông người với nhiều loại thực phẩm, nên những dịch bệnh có dịp phát sinh.

Cần lưu ý trong dịp tết, các dịch bệnh lây theo đường hô hấp, như cúm mùa, cúm gia cầm, viêm đường hô hấp cấp, sởi, ho gà, thủy đậu, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm... dễ bùng phát.

Ghi nhận của hệ thống giám sát, đến nay trên toàn quốc có hơn 400 ca sốt phát ban, trong đó chỉ có 35 trường hợp sởi dương tính, phân bố tản phát ở 16 tỉnh thành phố mà không có ổ dịch tập trung nào.

Khai thác tiền sử thì có đến 85% số bệnh nhân bị sởi chưa qua tiêm chủng. Vì thế, PGS Dương nhấn mạnh để phòng bệnh sởi cần đưa các bé trong độ tuổi đi tiêm chủng đúng lịch, hạn chế tối đa được nguy cơ mắc sởi.

Số liệu nghiên cứu cho thấy vắcxin sởi chỉ có hiệu quả 95% nếu trẻ tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi, nếu tỷ lệ tiêm vắcxin sởi đạt 95% thì sẽ có khoảng 90% quần thể đích được bảo vệ. Như vậy, vẫn có khoảng 10% trẻ ở đối tượng đích chưa được bảo vệ. Vắc xin sởi-rubella là vắcxin giống giảm độc lực, được WHO (Tổ chức Y tế thế giới) tiền thẩm định về chất lượng và được sử dụng trên 600 triệu liều ở 39 quốc gia đảm bảo an toàn và hiệu quả cao. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ loại vắc xin này.

PGS Dương cho biết ngành y tế đang rất tích cực và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella lớn nhất từ trước đến nay trên phạm vi cả nước, chiến dịch này đã được triển khai từ tháng 9/2014 và đến nay đã có trên 19 triệu trẻ được tiêm chủng.

Bên cạnh đó, hoạt động tiêm chủng thường xuyên, trong đó có vắc xin sởi tiếp tục được duy trì. Công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh sởi cũng được đẩy mạnh.

Trong dịp tết, trẻ em thường đi cùng bố mẹ đi chúc tết, chơi tết, đặc biệt là việc ăn uống cũng khác ngày thường, mà ăn uống không điều độ.

Vì vậy để bảo đảm sức khỏe cho trẻ thì cần chú ý những điểm như sau: Giữ ấm cho trẻ trong điều kiện thời tiết lạnh. Cần cho trẻ ăn uống điều độ, phù hợp, đặc biệt là phải kiểm soát việc ăn uống của trẻ, không để trẻ ăn thoải mái theo ý thích của trẻ trong dịp tết. Cần giữ chế độ sinh hoạt của trẻ như ăn-ngủ đúng giờ.

Trong trường hợp trẻ không may nghi mắc sởi với các biểu hiện như sốt cao, mắt kèm nhèm, chảy nước mũi, sau đó có phát ban thì phải nghĩ ngay đó là những biểu hiện bệnh sởi. Đặc biệt là phát ban sởi lan từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ rồi lan đến tứ chi. Ban hồng, dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất thì phải nghĩ đến sởi.

Bố mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị. Để phòng bệnh cho những người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ, dịp Tết vẫn có các cơ sở khám chữa bệnh 24/24 như BV Bạch Mai.

 

Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo