Cân đối nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm qua và trong 5 năm tới là một trong những chủ đề chính của phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội (QH) diễn ra trong cả ngày hôm qua (22/10).
Hiện cả nước đang thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia, dựa trên Nghị quyết của QH Khóa XIII vẫn còn đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, nhìn nhận thấy các chương trình này đều có chung một địa bàn là vùng nông thôn, miền núi, nên từ 3 năm qua, QH đã đồng ý cho Chính phủ thực hiện lồng ghép các nguồn lực, nguồn tiền từ các chương trình này để thực hiện nhằm tránh tốn kém, lãng phí.
Không chỉ vậy, đa số đại biểu QH và cả Chính phủ đều thấy rằng, chỉ nên duy trì 2 chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong kế hoạch 5 năm tới, vì 2 chương trình này cũng hội đủ các mục tiêu của 14 chương trình còn lại.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cách phân bổ ngân sách Trung ương cho địa phương làm nông thôn mới cũng phải thay đổi. “Tiền bạc Trung ương không giữ nữa mà phải đưa hết cho tỉnh bố trí. Đồng thời cũng không chia bình quân, cào bằng cho các tỉnh mà chỉ tập trung cho các xã khó khăn để làm”.
“Tổng tiền cho chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững phải tăng lên. Lâu nay ta có 16 chương trình thì lấy bấy đó làm tối thiểu để dồn cho 2 chương trình này. Ngân sách Trung ương giờ chỉ còn 3 việc chính là chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi cho chương trình mục tiêu quốc gia. Vì đây là hai vấn đề liên quan tới 70% dân số, đến ổn định, an ninh trật tự, quốc phòng toàn dân”, theo Chủ tịch Quốc hội.
Mặc dù ủng hộ những nhận định của Chủ tịch QH về hai chương trình trên, nhưng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết “nguồn lực rất cam go”.
Cụ thể, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói, để có 50% xã đạt nông thôn mới vào năm 2020 thì ngân sách Trung ương chi ra 120.000 tỷ đồng, cộng thêm phần ngân sách các địa phương là 130.000 tỷ. Nhưng với ngân sách Trung ương, Chính phủ bàn mãi thì tới nay có thể tính bố trí được 40.000 tỷ đồng cho 5 năm tới.
Chủ tịch QH yêu cầu Bộ KH&ĐT tính toán cắt bớt các nhu cầu chi không cần thiết, không đúng để tập trung thực hiện cho được hai chương trình mục tiêu quốc gia này trong 5 năm tới.
“Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Ủy ban Kinh tế phải ngồi lại với nhau để cân đối nguồn lực cho nhiệm vụ này”, Chủ tịch QH đề nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo