Cần giải pháp chống lợi ích nhóm
Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thông điệp về một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2013, ngày 2.1, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý... nhận định các giải pháp đó đã trúng, phù hợp với tình hình thực tế, dù còn chút băn khoăn khi chưa thấy những giải pháp mang tính cụ thể hơn.
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế: Tăng tính phản biện với các chính sách
Về cơ bản, tôi thấy thông điệp đầu năm của Thủ tướng “Kiên quyết khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn, tiếp tục kiềm chế lạm phát...” đã phản ánh đầy đủ tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ, có nhấn mạnh một số điều cần thiết, đúng đắn cần phải thực hiện trọng tâm trong năm nay. Điểm nhấn dễ nhận thấy trong thông điệp này là tính ổn định của các mục tiêu và đúng đắn của chính sách.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nhìn chung những nội dung được đề cập trong thông điệp vẫn chỉ khẳng định những điều đã biết mà chưa có những đột phá và điểm mới. Chẳng hạn, mặc dù xác định tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng chỉ mới đề cập đến tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà chưa có những nhận định và giải pháp mới cho cấu trúc doanh nghiệp tư nhân và nền kinh tế nói chung.
Tôi cho rằng những điểm nhấn cần thiết cho năm 2013 đó là cần tăng tính phản biện và tính dân chủ hóa trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Cụ thể, trong năm 2013, cần coi trọng hơn nữa vai trò của hệ thống ngân hàng, khắc phục thực tế “hơi” đề cao chính sách tài khóa. Cần bổ sung những giải pháp trực tiếp để hạn chế lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng và tư duy nhiệm kỳ trong lĩnh vực này. Đồng thời, phải đảm bảo việc thực thi những chính sách đến đúng đối tượng.
Ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Sớm có cơ chế hỗ trợ cánh đồng mẫu lớn
Tôi hoàn toàn động tình với những giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội 2013 mà Thủ tướng đưa ra. Riêng về nông nghiệp, cũng có thể trong những năm qua đã có sự phát triển khá, là trụ đỡ của nền kinh tế, nên người đứng đầu Chính phủ không nhắc nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong năm 2013, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho sản xuất nông nghiệp, như tỉnh Nam Định được Trung ương giao là địa bàn trọng điểm trồng và bảo vệ đất trồng lúa, phát triển chăn nuôi thủy sản, nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ đưa chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Nam Định đề nghị Nhà nước cần sớm có cơ chế hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại; cho phép điều chỉnh một phần đất trồng lúa để đảm bảo đủ quỹ đất.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Phải hành động và hành động quyết liệt
Thông điệp của Thủ tướng đưa ra phù hợp với tình hình hiện tại. Nhưng tôi cho rằng cái chính là hành động và phải hành động quyết liệt. Phải khoan sức dân và gây dựng niềm tin cho doanh nghiệp. Mục tiêu của năm 2013 như vậy là “trúng” rồi, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao, ai là người thực hiện, thực hiện như thế nào?
Tôi cho rằng, vai trò của tư lệnh ngành để chỉ huy các lĩnh vực phải rõ ràng, có dấu ấn hơn; đồng thời phải có giải pháp đột phá. Ví dụ như tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng phải làm sao để không làm xáo trộn xã hội, cần phải có giải pháp cụ thể để vừa đáp ứng nhiều đối tượng, không phải chỉ giải quyết khó khăn chủ thể của hệ thống ngân hàng, mà phải hỗ trợ cả người dân, doanh nghiệp… Hay như lĩnh vực đầu tư công, phải tập trung vào những công trình có hiệu quả cho quốc kế dân sinh, không dàn trải; nguồn lực Nhà nước phải phân bổ hợp lý, tập trung.
TS Cao Sĩ Kiêm - chuyên gia kinh tế: Chờ những giải pháp cụ thể hơn
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ để giải quyết những “mắc mớ”, khó khăn của nền kinh tế. Những giải pháp được đưa ra chứng tỏ sẽ có sự triển khai giải quyết đồng bộ, đồng lòng từ các bộ ngành, địa phương.
Tuy nhiên, dư luận và xã hội vẫn đòi hỏi và trông chờ những giải pháp cụ thể hóa nhanh, sự tập trung chỉ đạo cao của các cấp lãnh đạo, bởi không nên để người dân cũng như doanh nghiệp thất vọng về những chủ trương, chính sách không hợp lý được đưa ra. Tránh để không lặp lại tình trạng, ngay từ đầu năm mới đã có hai vấn đề gây vướng mắc, đó là việc thu phí đường bộ và triển khai các luật thuế mới. Dù đã đến thời hạn thực hiện nhưng các bộ, ngành, địa phương cho biết chưa chuẩn bị sẵn sàng nên chưa thể triển khai…
Thảo Nguyên (Theo Dân Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển