Cần hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho giao thông giai trong 5 năm tới
Sáng 7/6, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ GTVT quản lý.
Nguồn tin từ Bộ Giao thông, tại Hội nghị, báo cáo đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ GTVT quản lý, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển KCHTGT.
Theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ nhu cầu đầu tư KCHTGT khoảng 484.000 tỷ trong khi đó nguồn vốn NSNN, vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) và vốn ODA cân đối khoảng 181.000 tỷ, tương đương 37% so với nhu cầu. Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã đẩy mạnh hình thức xã hội hoá đầu tư, thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển KCHTGT; kết quả đã huy động được 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) trong tổng nguồn 444.040 tỷ đồng cho đầu tư KCHTGT trong giai đoạn này.
Trong tổng số nguồn vốn huy động được 444.040 tỷ đồng, nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,46 tỷ USD). Tổng vốn cho được giải ngân trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 379.213 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn tư nhân 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) và giải ngân vốn Nhà nước 257.380 tỷ đồng (chiếm 67,87%).
Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với TMĐT 74.806 tỷ đồng. Đang triển khai đầu tư 36 dự án với TMĐT 111.854 tỷ đồng. Các dự án triển khai chủ yếu theo hình thức BOT do hành lang pháp lý (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP) chỉ mới quy định 3 hình thức BOT, BTO và BT (hình thức BTO không phù hợp với đặc thù ngành GTVT). Lĩnh vực cảng biển là một trong những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư tư nhân khá sớm và khá thành công theo hình thức doanh nghiệp đầu tư trực tiếp.
Công khai, minh bạch các dự án BOT, BT
Nhấn mạnh đến sự tuân thủ quy định pháp luật và tính minh bạch trong quá trình triển khai dự án, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói, việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống KCHTGT vừa đảm bảo mục tiêu phát triển phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giám áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước. Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Lợi ích của người sử dụng và nhà đầu tư được xem xét thận trọng trong quá trình phân tích lựa chọn đối với từng dự án để đầu tư theo hình thức PPP.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, về cơ bản, công tác triển khai dự án tuân thủ quy định của pháp luật. Việc lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức PPP được căn cứ trên nhu cầu thực tế, kiến nghị của địa phương, sự cần thiết phải đầu tư và đặc biệt là đảm bảo phù hợp quy hoạch được phê duyệt. Các dự án đều nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành và chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
“Như vậy, quá trình triển khai các dự án có thể nói các thông tin đều minh bạch theo quy định, được các Bộ, ngành và địa phương tham gia ý kiến trước khi Bộ GTVT ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư và triển khai dự án... Trong thời gian tới, để tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, Bộ GTVT sẽ đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về các dự án PPP (thông tin về dự án, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, mức phí, thời gian thu phí...)” Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Cần hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
Định hướng huy động nguồn lực đầu tư PPP giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án PPP trong từng lĩnh vực; trong đó, tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP có hỗ trợ của Nhà nước các dự án đường cao tốc với chiều dài khoảng 751 km, đối với việc nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện có, đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới; huy động nguồn vốn XHH theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư đối với hệ thống nhà ga, kho, bãi, khu ga hàng đường sắt... kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đối với những dự án có khả năng hoàn vốn; tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư hoặc FDI các cảng, bến quan trọng; tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế, đồng thời huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trên cơ sở thực trạng KCHTGT và kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý. Theo dự kiến, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu, nguồn vốn ODA đang thu hẹp, nợ công đang ở mức cao. Để phát triển KCHTGT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đó thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân vào đầu tư KCHTGT cũng như cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực GTVT là tất yếu.
“Thông qua Hội nghị, Bộ GTVT mong muốn cùng các Bộ, ngành, địa phương và toàn thể xã hội nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện về kết quả đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư KCHTGT giai đoạn 2011-2015 vừa qua để đề ra giải pháp khắc phục, tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư, thực hiện thành công chiến lược, kế hoạch phát triển GTVT nhằm góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và chỉ đạo của Chính phủ” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD