Cần làm rõ tố cáo và xử lý nghiêm minh sai phạm tại trường Đại học Kinh tế quốc dân
Đơn tố cáo khẳng định, hai ông Phạm Quang, Viện trưởng và ông Nguyễn Hữu Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã vi phạm quy chế dân chủ, quy chế đào tạo và ảnh hưởng đến quyền lợi người học tại đây.
Cụ thể, từ cuối năm 2008 đến nay, hai ông Quang và Ánh đã lạm dụng chức quyền, liên kết với nhau, tiến hành chi tiêu, sử dụng công quỹ hàng chục tỷ đồng một cách tùy tiện, không công khai tài chính, … Điều đáng nói, họ là những người am hiểu về quản lý kinh tế (là Phó giáo sư, Tiến sĩ về tài chính, kế toán) và trong quá trình thực thi công vụ, Tổ kiểm tra nội bộ do hai ông thành lập cũng đã nhắc nhở bằng văn bản nhưng ông Quang, ông Ánh vẫn cố tình làm ngơ.
Kết luận thanh tra của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân do GS. TS. Phan Công Nghĩa ký thay Hiệu trưởng ngày 21/10/2014 đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm tại Viện Kế toán - Kiểm toán. Mới chỉ thanh tra số thu và chi tiêu của 3 khóa liên thông, hai ông Quang và Ánh đã tùy tiện chi tiêu kinh phí với một lượng “khủng”: 20.014.871.317 đồng, trong tổng số 20.840.849.661 đồng được phép chi.
Kết luận cũng chỉ rõ: “Mặc dầu cuộc họp chưa có kết luận cụ thể, không có biên bản ghi nội dung cuộc họp nhưng đơn vị vẫn đưa vào áp dụng cho các khóa 9, 10, 11 không tính đến yếu tố quy mô lớp là chưa đúng quy định, quy trình xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, ...”.
Tiếp đó “Đơn vị không xây dựng phương án chi tiêu, ..., chưa được Ban giám hiệu phê duyệt”, rồi “Tỷ lệ chi cho quản lý cố định từ 10% đến 20% không tính đến yếu tố quy mô đào tạo cũng như địa điểm đào tạo tại trường hay ngoài trường là chưa hợp lý”.
Ở đây cũng cần nói rõ: Kết luận thanh tra đã đánh đồng giữa chi phí quản lý (xấp xỉ 40%) với chi trách nhiệm quản lý (xấp xỉ 20%). Hơn nữa, việc tính toán này chỉ là về mặt cơ học, chưa xét đến nội dung chi, mục đích chi, đối tượng thụ hưởng, tính hợp pháp của chứng từ chi.
Những người tố cáo cũng cho rằng, lãnh đạo Viện Kế toán - Kiểm toán đã tự sắp xếp, bố trí giảng viên vào các bộ môn khác nhau mà không cần hỏi ý kiến của giảng viên. Họ tự phong Chủ tịch Hội đồng khoa học khoa, không cần thông qua bầu cử; tự quyết định số lượng thành viên và thành viên Hội đồng khoa học khoa; tự quyết định danh sách thành viên chấm thi tốt nghiệp mà không thông qua Trưởng bộ môn.
Bên cạnh đó, những vị này còn tự phân công, quyết định, thay đổi tiêu thức phân công giáo viên hướng dẫn thực tập tốt nghiệp. Điều đáng nói, việc phân công, hướng dẫn này không nhất quán, không công bằng, không công khai; tự mình quyết định và tự phân công mình giảng dạy, chấm thi một số môn học mới cho hệ cao học khi bài giảng chưa có (mới chỉ có đề cương và tài liệu dịch, chưa biên tập).
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người tố cáo bức xúc: "Lãnh đạo Viện tự quyết định môn thi tốt nghiệp cho hệ vừa làm, vừa học (hệ tại chức trước đây), không thông qua bộ môn hay hội đồng khoa học mà chỉ thông báo trước khoa. Đó là còn chưa kể môn được lựa chọn thi tốt nghiệp không đủ số tín chỉ tối thiểu quy định. Họ tự quyết định thành viên hội đồng chấm luận văn cao học mà không quan tâm đến sự giới thiệu của giáo viên hướng dẫn hay của Trưởng Bộ môn như quy định".
Những việc nói trên là trái với Quyết định số 36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các quy định của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ngoài ra, theo những người tố cáo, lãnh đạo Viện ra Quyết định 06/QĐ-VKTKT về việc ban hành quy chế đánh giá sinh viên và công tác tổ chức thi học phần là trái với quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi người học tại đây như tự quyết định và thay đổi môn thi tốt nghiệp lúc sắp kết thúc khóa học, không thông báo trước cho sinh viên. Tiếp đó là môn thi tốt nghiệp không đủ số học trình tối thiểu quy định, tự quyết định danh sách thành viên chấm thi tốt nghiệp, thậm chí đưa cả giáo viên chưa giảng dạy chuyên môn vào danh sách chấm thi tốt nghiệp.
Đơn thư tố cáo cũng khẳng định, ông Quang, ông Ánh tự quyết định danh sách thành viên Hội đồng chấm luận văn cao học với thành phần thiếu trách nhiệm, nhận xét không dựa vào bài làm của học viên, thậm chí người phản biện viết nhận xét không hề gắn với nội dung luận văn.
Thậm chí, họ còn ép buộc (bất thành văn) sinh viên phải tham dự lớp “Kế toán tài chính nâng cao” cuối khóa với học phí “cắt cổ” trong thời gian ngắn, lớp nào đăng ký tham gia học thì kết quả thi tốt nghiệp gần như đạt tỷ lệ tuyệt đối 100%.
Ngược lại, những lớp không đăng ký học, tỷ lệ trượt thi trượt tốt nghiệp rất cao. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có lớp không đăng ký học “Kế toán tài chính nâng cao” đã phải gánh chịu tỷ lệ trượt tốt nghiệp trên 90% để rồi sau đó phải thi lại và dĩ nhiên phải tham gia khóa học ngắn hạn nêu trên mới qua được cửa ải, đơn tố cáo nhấn mạnh.
Những sai phạm trên rất cần sớm được làm rõ và xử lý nghiêm minh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo