Cần một sức cạnh tranh mới cho gần 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ
Đây là một khu vực kinh tế-xã hội lớn, có vai trò quan trọng trong tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nhìn tổng thể, khu vực này tuy đông mà không mạnh.
Việc tổ chức lại hoạt động, tăng sức cạnh tranh của các tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ nói trên được coi là trọng tâm của kỳ đại hội thứ nhất Hiệp hội hợp tác xã và cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ Việt Nam.
Tại cuộc họp báo chuẩn bị cho kỳ đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội diễn ra chiều nay (24/11), tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Quân, Trưởng ban vận động Hiệp hội hợp tác xã và cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ Việt Nam, nhận định hầu hết các tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ hiện nay đều có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, thiếu và yếu về nhiều mặt (vốn, khoa học công nghệ, nhân lực…) đồng thời lại hoạt động một cách rời rạc, đơn lẻ, thiếu liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về mặt kinh tế.
Trên thực tế, những hạn chế này đã khiến các hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hiện nay gặp nhiều khó khăn, bị chèn ép, thua thiệt trên thương trường, thiếu khả năng cạnh tranh, từ đó không có được lợi ích và vị thế kinh tế -xã hội tương xứng với những đóng góp và tiềm năng của mình.
“Xuất phát từ tình hình, xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu và đòi hỏi thực tế của các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ trước những khó khăn, thách thức phía trước, việc hình thành một Hiệp hội của các hợp tác xã, các tổ chức kinh doanh nhỏ trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đời sống là rất cần thiết,” ông Nguyễn Tiến Quân nhấn mạnh.
Mặt khác, Hiệp hội tập trung thúc đẩy về mặt kinh tế và hợp tác kinh tế giữa các thành viên nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức mà các thành viên phải đối mặt trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc thực hiện chức năng đại diện, triển khai các hoạt động hỗ trợ về pháp lý, về đào tạo, về thông tin…
Hiện nay, Hiệp hội đã thu hút gần 300 tổ chức, đơn vị đăng ký làm thành viên trong đó có các công ty, doanh nghiệp tư nhân một số trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại… và gần 50 cá nhân là các nghệ nhân-những người đứng đầu trong một số ngành nghề tiêu biểu…
Đến ngày 30/11 tới đây, Hiệp hội hợp tác xã các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ Việt Nam (ViCBa) sẽ chính thức ra mắt và hoạt động dựa trên cơ sở tham gia tự nguyện của các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ đời sống./
Số liệu thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tính đến ngày 30/06/ 2014, cả nước có trên 370.900 tổ hợp tác, trong đó có khoảng 70.000 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và khoảng 50.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại hoặc các lĩnh vực phi nông nghiệp khác; có trên 19.900 hợp tác xã, trong đó lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có 3.836 hợp tác xã (761 hợp tác xã xây dựng), lĩnh vực thương mại và dịch vụ có 1.475 hợp tác xã thương mại, 1.529 hợp tác xã dịch vụ điện, nước, 857 hợp tác xã trong các lĩnh vực dịch vụ khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sẵn sàng cho thị trường chứng khoán bền vững, tiệm cận quốc tế
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp còn khiêm tốn
Giá vàng trong nước ngày 19/12/2024: Giảm sâu 1,2 triệu đồng mỗi lượng
Thị trường tiềm năng của thuỷ sản Việt Nam
Giá ngoại tệ ngày 19/12/2024: USD chạm mức cao nhất trong hai năm
Giá heo hơi ngày 19/12/2024: Miền Bắc và miền Trung tiếp tục tăng giá