Căn nhà chung của người khuyết tật
Người khuyết tật thường sống trong mặc cảm đầy tự ti vì tự cho mình là gánh nặng của gia đình và xã hội vì thế khi họ được làm việc, lao
động và sáng tạo để được sống bằng chính sản phẩm do mình làm ra là niềm vui của một sự đổi đời. Và càng tự hào hơn, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của họ không hề thua kém so với người thợ bình thường, đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Cơ sở Hòa Nhập đã tạo ra một môi trường làm việc với đầy đủ những điều kiện vô cùng thuận lợi để người khuyết tật được lao động trong sự tự tin vào năng lực của chính mình.
Xưởng thủ công mỹ nghệ Hòa nhập có tất cả là 60 người, học viên được học nghề miễn phí. Quy trình đào tạo nghề cũng không hề đơn giản, phải kéo dài ngày vì các em tiếp thu chậm. Nhiều trường hợp sau một thời gian học nghề, người dạy nhận thấy không phù hợp nhiều khi phải chuyển đổi cho các em vào các nhóm nghề khác. Ngoài đồng lương so với mặt bằng chung của xã hội là không hề thua kém, các em được ăn trưa miễn phí, có đầy đủ chế độ theo quy định của Nhà nước.
Các hàng thủ công và quà tặng Việt Nam độc đáo của Hòa Nhập như chạm đồng, hàng thổ cẩm, hàng thêu tay, thiếp mừng… luôn được du khách chọn lựa một cách thích thú, hài lòng cho thấy sản phẩm được tạo ra từ những bàn tay tài hoa và điêu luyện của người thợ khuyết tật là chất lượng.
Chính điều này giúp họ cảm thấy công việc mình được người khác chia sẻ, cổ vũ, thấy mình được coi trọng.Và chính du khách nước ngoài đã rất ngạc nhiên không tin được về khả năng của người khuyết tật ở Hội An nhưng đến khi họ “mục sở thị” tại xưởng sản xuất của cơ sở, họ đã bị thuyết phục trước một thực tế sống động của hiện trường với những người thợ đầy những khuyết điểm trên cơ thể đang cần cù làm việc, một hình ảnh người thật việc thật.
Không hề giả dối, không hề kinh doanh theo kiểu kêu gọi lòng thương hại của khách hàng là phương châm hoạt động của mái nhà chung này. Bởi vì, trong sâu thẳm của người thợ có hoàn cảnh đặc biệt , khi những sản phẩm của họ được mọi người đón nhận thì niềm vui về tinh thần tăng lên gấp bội, khó tưởng tượng nổi.
Người khai sinh và điều hành cơ sở này là anh Lê Nguyên Bình,vốn là người khuyết tật nên anh hiểu hết những giằng xé tự ti từ chính bản thân, muốn vươn lên, thoát khỏi mặc cảm không có cách gì khác hơn là tạo cho lớp người “đồng hội, đồng thuyền” tự sống độc lập bằng năng lực của họ. Anh từng suy nghĩ, ở các nước phát triển, người khuyết tật được nhà nước bảo trợ bằng một chế độ an sinh rất tốt nhưng chưa chắc họ đã sống vui bằng những người thợ khuyết tật tại đây, đơn giản họ vẫn mang mặc cảm là sống bám vào xã hội, và nhà nước, nhưng ở đây lại hoàn toàn khác biệt.
Điều đáng nói, nếu người khuyết tật ở nước ta không tạo cho họ việc làm thì đa số sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, nhiều người ra đường ăn xin hoặc kiếm sống bằng những công việc mà nhân phẩm bị hạ thấp, tạo nên một hình ảnh của Hội An không mấy tốt đẹp trước mắt du khách. Vì thế, cơ sở của Hòa Nhập còn liên kết quan hệ với nhiều cơ sở người khuyết tật ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh , Quy Nhơn vừa để giúp cho họ có công việc và tạo đầu ra cho sản phẩm, vì những cơ sở này không có cơ hội tiếp cận với du khách nước ngoài.
Hòa Nhập được nhiều người, đặc biệt là các tổ chức từ thiện nước ngoài đánh giá rất cao vì đó là một mô hình với phương thức hoạt động sáng tạo, đầy tính nhân văn có ý nghĩa cộng đồng và hoạt động theo chiều hướng phát triển bền vững nên vừa rồi tổ chức Hợp tác quốc tế Jica của Nhật đã tổ chức thực hiện một clip về cơ sở này để trình chiếu, nhân rộng điển hình ở các nước đang phát triển trên toàn châu Á Thái Bình Dương.
Hồ Sĩ Bình
End of content
Không có tin nào tiếp theo