Cân nhắc đề xuất thuế, phí cho công nghiệp ô tô
Không cần thiết giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt
Một trong những chính sách được Bộ Công Thương nêu ra nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là giảm thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Song, theo Bộ Tài chính, việc làm này là không cần thiết.
Thống kê cho thấy, trong cam kết WTO, tất cả các loại xe ô tô phải cắt giảm mức thuế NK từ 100% xuống 70% sau 7 năm kể từ khi gia nhập (năm 2014); riêng đối với loại xe chở người có dung tích xi lanh từ 2,5l trở lên sẽ phải giảm thuế NK từ 90% xuống 52% sau 12 năm kể từ khi gia nhập (năm 2019). Trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các loại xe ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên và xe tải đều đã được cắt giảm thuế NK xuống mức 5% từ năm 2006; riêng loại xe chở người 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải cắt giảm xuống 0% vào năm 2018.
Dự kiến đến năm 2026, thuế NK ô tô chở người từ những nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế, chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ cắt giảm về mức 0%. Đối với linh kiện ô tô, thuế NK sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018 theo cam kết trong ASEAN; 15- 30% vào năm 2021 theo cam kết ASEAN - Hàn Quốc; từ 0% - 30% tùy theo chủng loại linh kiện năm 2014 trong WTO...
Khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế NK nói trên, NSNN sẽ bị giảm thu khá nhiều. Trước bối cảnh giảm thu Thuế NK và thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng giảm xuống mức 20% vào năm 2016, Bộ Tài chính cho rằng, nếu giảm thuế TTĐB đối với ô tô thì NSNN sẽ càng giảm thu trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô NK.
Mặt khác, qua khảo sát chính sách thuế TTĐB đối với ô tô của các nước trong khu vực, Bộ Tài chính cho biết, thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45%, là mức trung bình trong khu vực, thấp hơn Malaysia, Lào và bằng Singapore, Campuchia. Indonesia có mức thuế TTĐB thấp (20%) nhưng thuế trước bạ và phí đường bộ lại cao hơn nhiều (2% trên giá bán đã có thuế GTGT).
Với những nguyên do đó, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách điều tiết thuế TTĐB đối với ô tô hiện hành là phù hợp với điều kiện KT-XH giai đoạn hiện nay và trong những năm tới, phù hợp với thông lệ của những nước xung quanh và nước có tình hình phát triển KT-XH tương đồng với Việt Nam. Vì vậy theo Bộ tài chính, “không cần thiết phải sửa đổi thuế suất Thuế TTĐB theo như đề xuất của Bộ Công Thương và các DN”.
Đã đủ ưu đãi thuế TNDN
Trong đề xuất về thuế TNDN, Bộ Công Thương đưa ra chính sách ưu đãi: DN sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân thiện môi trường, xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn và xe nông dụng nhỏ đa chức năng với tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên; sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô thuộc Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được miễn thuế TNDN 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm.
Trước đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, các đối tượng trên đã và đang được hưởng các chính sách ưu đãi thuế TNDN. Cụ thể, các DN sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân thiện môi trường, sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô mà đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật này đã được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Có thể kể tới một số quy định như: Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao. Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn cũng được áp dụng thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo…
Ngoài ra, đối với công nghiệp hỗ trợ, vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế, trong đó có nội dung: “Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì được hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có)”. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn các DN thực hiện theo các quy định này.
Tránh giảm đột ngột thuế nhập khẩu
Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn, trong đó có nêu lộ trình cắt giảm thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô chở người trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho giai đoạn 2015-2018. Cụ thể, thuế NK đối với xe ô tô chở người sẽ giảm dần từ 50% vào năm 2014, 2015 xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và về 0% vào năm 2018, 2019.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương và một số DN trong đó có Công ty ô tô Trường Hải, Toyota Việt Nam… đã đề xuất phương án giữ nguyên thuế suất 50% đến hết năm 2017 và về 0% vào 2018 - 2019.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, phương án giảm dần đều từ mức 50% vào năm 2015 xuống 0% vào năm 2018 sẽ có mức giảm giữa các năm, nới lỏng mức độ bảo hộ, tránh được việc giảm thuế đột ngột về cuối lộ trình. Khi đó ngành ô tô có thời gian thích nghi nhất định trước khi đối mặt với việc xóa bỏ hoàn toàn thuế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển