Cân nhắc lại kênh đầu tư sau vụ tiền tiết kiệm 'bốc hơi'
Lo lắng cho số tiền tiết kiệm đang gửi ngân hàng, chị Phương ( Hoài Đức-Hà Nội) cho rằng, sau vụ gửi tiết kiệm hưởng lãi suất trong thời gian dài đến lúc thanh toán cả gốc và lãi chỉ mua được mớ rau thì tốt nhất khi gửi ngân hàng nên chọn kỳ hạn ngắn, còn dài hạn nên tìm đến kênh đầu tư khác.
Còn chị Bích (phố Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) cho biết, do có thời gian dài sống tại nước ngoài, khi về Việt Nam lạm phát, kinh tế khó khăn nên chị vẫn giữ thói quen tiết kiệm ngoại tệ. Sau vài tháng tích cóp chị mua đôla Mỹ hoặc euro. Nếu lãi suất ổn định thì gửi ngân hàng, còn không đợi tỷ giá tăng chị lại bán chốt kiếm lời.
Kể lại câu chuyện của mình chị Hương (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho hay, năm 2008 chị có gửi ngân hàng hơn 400 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng tại một ngân hàng thương mại. Do không cần dùng tiền nên chị không làm thủ tục rút tiền hoặc gia hạn sổ. Đến năm 2010, khi thanh toán tiền chị mới biết ngân hàng đã tự động chuyển đổi sang không kỳ hạn nên số tiền lãi được hưởng chỉ hơn 25 triệu đồng. Chị Hương kết luận, không nên phó thác hết cho ngân hàng, nếu gửi trong thời gian dài phải thường xuyên cập nhật các thay đổi chính sách của nhà băng.
Tại một số diễn đàn trên mạng, câu chuyện gửi tiết kiệm trong 30 năm của bà Thủy cũng được nhiều thành viên chia sẻ. Thành viên có nickname gogo82 cho rằng, có tiền không dùng đến thì mua vàng cất trong tủ hoặc đầu tư đất nền diện tích nhỏ. "Đã gọi là đầu tư thì nên lâu dài chứ không nên có tâm lý ăn xổi", chị cho biết.
Đang có vài chục triệu tích cóp trong 2 năm, nhưng nickname thanhnhinhi đắn đo không biết làm thế nào để vừa an toàn, vừa có lợi nhuận. Thành viên này tính chuyện mua vàng vì giá đang xuống thấp thay vì gửi tiết kiệm lãi suất có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, không ít người hồ nghi việc sinh lợi từ vàng. “Giả sử có 10 triệu đồng, trong vài năm qua mà gửi tiết kiệm thì hiện nay có bao nhiêu và nếu mua vàng thì hiện còn bao nhiêu?”, một thành viên nghi vấn.
Theo người này, nên đầu tư tùy từng thời điểm chứ không nên chạy theo trào lưu. Như mấy năm trước giá vàng lên đến gần 50 triệu đồng một lượng, thì nay có lúc về dưới mức 35 triệu đồng, tính ra lỗ hơn cả chục triệu mỗi lượng. Do vậy mua vàng, mua ngoại tệ cũng phải nắm bắt thời cơ.
Nickname butchiden thì tiếc nuối cho hay, năm 2009-2010 lãi suất ngân hàng lên đến trên 10% thì vàng và nhà đất cũng sinh lời nhanh đến mức qua một đêm đã có cả chục triệu đồng khiến chị dồn hết tiền của vào hai kênh này. Đến khi thị trường bất động sản vỡ bong bóng, vàng thì bị siết muốn rút tiền ra để gửi ngân hàng thì không kịp. “Giờ chỉ ước khi đó tỉnh táo nhận biết thị trường thì đã không mất số tiền lớn”, thành viên này bày tỏ.
Trao đổi với Vnexpress, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lãi suất đang có xu hướng giảm, lại thêm trường hợp tính toán căn cơ của ngân hàng đối với trường hợp gửi tiền lâu năm vừa qua khiến tâm lý của không ít người dân lo ngại. Họ bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở các lĩnh vực khác như bất động sản và vàng. Thời gian gần đây, quan sát thị trường cho thấy tỷ lệ người đầu tư ở hai lĩnh vực này đang có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho biết các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ vẫn khá rủi ro. Để an toàn, gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là kênh nên được ưu tiên lúc này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ