Cần nhìn lại Đồ án Quy hoạch Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử
Có nên xây dựng cáp treo tại Tây Yên Tử!
Theo Đồ án Quy hoạch phân khu Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, thì khu vực nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử thuộc địa giới hành chính của xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Phía Bắc giáp đường tỉnh 293 và xã Tuấn Đạo (huyện Sơn Động); phía Nam giáp khu di tích danh thắng Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh); phía Đông giáp xã Thanh Luận và thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động); phía Tây giáp huyện Lục Nam.
Tây Yên Tử được coi là khu du lịch tâm linh – sinh thái – nghỉ dưỡng, tổng hòa của 3 yếu tố thiên nhiên – lịch sử - tâm linh, linh thiêng của Phật giáo Việt Nam. Khu du lịch tâm linh – sinh thái này được quy hoạch gần 498,6 ha được chia làm 2 khu: Khu 1 thuộc khu vực chùa Trình khoảng 15,93 ha; chùa Trung và chùa Thượng khoảng 482,67 ha. Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Sơn Động, Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Trong chuỗi hệ thống mà đồ án nêu ra, đáng chú ý có hạng mục cáp treo. Đây là hạng mục đang tạo ra luồng dư luận “nóng” mà thiết nghĩ UBND tỉnh Bắc Giang cũng như Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử phải nhìn lại có nên xây dựng cáp treo trong Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. Có lẽ về phía đồng tình với hạng mục cáp treo sẽ cho rằng, nên có hệ thống này thì những người già, sức khỏe yếu có thể lên được đỉnh núi cao.
Còn về phía ý kiến không ủng hộ, đáng chú ý với thư ngỏ của nhà văn Văn Giá gửi đến UBND tỉnh Bắc Giang. Ông Giá cho rằng, nó sẽ phá vỡ cảnh quan, tàn phá môi trường, mất đi chỗ hành hương thả bộ để suy tư về cõi Phật, thưởng ngoạn thiên nhiên, hoặc buông xả hành Thiền, rèn tập thân thể, đám trẻ thì mất cơ hội được thỏa niềm vui chinh phục đỉnh cao...
Bản thân nhà văn thấy mô hình cáp treo đã trở nên quá quen thuộc, nhàm chán, mất sức sống và thiếu hấp dẫn. Theo quan sát của ông Giá, hiện nay, tình hình cáp treo đang có nguy cơ bành trướng, dần dần sẽ ngoạm nốt tất cả những gì còn lại của bà mẹ thiên nhiên Vĩ đại trên nước Việt.
Chúng đang đẩy cảnh quan mọi miền đất nước sa vào tình trạng biến mọi nơi thành những chỗ na ná nhau, lặp lại, tẻ nhạt, nhàm chán, đánh mất bản sắc văn hóa vùng. Chúng sặc mùi trịch thượng và tự mãn bởi đồng tiền, sa lầy vào cơn lốc của tình trạng thương mại hóa, thực dụng. Để giải thích nguy cơ cáp treo tràn lan này, lý do thì rất nhiều, nhưng có hai lý do mà nhiều người nghĩ tới: một là các cấp lãnh đạo không có tầm; hai là lợi ích cá nhân và nhóm chi phối.
Nhà văn Văn Giá đưa ra lời khuyên cho UBND tỉnh Bắc Giang: “Tránh dẫm vào lối mòn những cáp treo và hệ thống dịch vụ khoác màu hiện đại mà hầu hết là tẻ nhạt, thiếu cá tính, mất bản sắc, sặc mùi thế tục trên khắp đất nước này. Nếu Bắc Giang muốn khu du lịch của mình trở nên độc đáo, riêng biệt, mang đặc sắc văn hóa vùng, thì không nên và không cần bắt chước phải xây dựng hệ thống cáp treo cùng hệ thống dịch vụ quen thuộc và phổ biến”.
Trong các thư tịch cũ không có thuật ngữ “Tây Yên Tử”?
Song song với ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Bắc Giang nên bỏ hạng mục cáp treo, thì Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng có quan điểm liên quan đến Đồ án Quy hoạch phân khu Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử.
Là người nghiên cứu chuyện sâu trong Viện nghiên cứu Hán Nôm, ông Tuấn cho hay: “Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, Tây Yên Tử là phần đất thuộc bên kia núi Yên Tử, nơi thuộc địa phận của tỉnh Bắc Giang ngày nay. Cách lập luận bất nhất, và không căn cứ sử liệu cũng như tùy vào mục đích viết của từng tác giả, dẫn đến các lập luận chưa thực sự thuyết phục....
Vậy có thực có một vùng Phật giáo được gọi là Tây Yên Tử chăng? Vấn đề này trong thư tịch Phật giáo Việt Nam, Thư tịch Hán Nôm chưa từng dùng thuật từ Tây Yên Tử, mà là các học giả hiện đại dùng để chỉ theo mục đích nghiên cứu của mình...”
Tiến sĩ Tuấn cũng khẳng định, Trúc Lâm Yên Tử phát triển mạnh mẽ và tập trung ở khu vực từ Yên Tử về tây, dọc các núi nhấp nhô trong địa phận và ôm gọn lạnh địa của Đông Triều và Chí Linh ngày nay, chứ không phải tỉnh Bắc Giang. Như vậy, theo ý kiến của ông Tuấn, thì phải chăng, UBND tỉnh Bắc Giang đang “vơ” vào mình sự linh thiêng của Đạo Phật để phát triển du lịch cho tỉnh nhà?
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này…
End of content
Không có tin nào tiếp theo