Cần phải xây dựng "một cuộc hôn nhân" lâu dài giữa nông nghiệp và doanh nghiệp FDI
Tại Hội thảo tham vấn đề án tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông lâm ngư nghiệp vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được gửi tới Bộ Nông nghiệp và nông thôn một cách thẳng thắn.
FDI vào nông nghiệp chiếm chưa được 1%?
Tại buổi tham vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông Cao Đức Phát gửi lời chia sẻ đến những doanh nghiệp FDI bị thiệt hại trong sự cố tại Bình Dương, Vũng Áng vừa qua.
“Bản chất thực chất của vụ việc xuất phát từ một số thành phần quá khích lợi dụng tấn công vào các doanh nghiệp FDI. Sau khi sự việc xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm ngăn chặn các tình huống tương tự cũng như hỗ trợ tích cực nhất giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, cam kết bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ trưởng Phát nói.
Cũng tại buổi tham vấn, vị Bộ trưởng này cho biết, trong khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng đều suốt hơn 20 năm qua, chủ yếu là các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ du lịch, công nghệ cao... thì tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp vốn chiếm tỷ lệ rất thấp lại đang có xu hướng giảm dần.
Dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, nếu như năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI cả nước, 10 năm sau, con số này chỉ xấp xỉ 1%, với khoảng 500 dự án còn hiệu lực. Không những ít, nguồn vốn phân bố cũng không đều, tập trung vào các ngành thu hồi vốn nhanh và tập trung chủ yếu ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng…
Trước những vấn đề bất cập đang kéo “tụt” sự phát triển của nền nông nghiệp vốn có nhiều tiềm nănng, Bộ trưởng Cao Đức Phát hy vọng được lắng nghe các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp thảo luận, đưa ra các nguyên nhân thực sự dẫn đến sự “nghèo nàn” trong thút FDI vào nông nghiệp.
Với các ý kiến đề xuất giải pháp nhằm cải thiện các cơ chế về tín dụng, đất đai, công nghệ, hướng thu hút đầu tư… ngành nông nghiệp trong thời gian tới sẽ khai thác được tối đa tiềm năng, tăng thu nhập cho người nông dân, mang lại lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp tin tưởng.
Đi tìm bài toán thu hút đầu tư
Phân tích nguyên nhân vốn FDI nông nghiệp sụt giảm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, vốn FDI nông nghiệp giảm là do các địa phương thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng FDI thu hút thấp là do kết cấu hạ tầng vùng đầu tư vào nông nghiệp thấp. Trong khi đó, người nông dân quá nhỏ bé, phân tán, chất lượng nguồn lao động quá thấp.
“Cần tạo ra một tư cách pháp nhân đáng tin cậy, đủ mạnh để làm đối tác với các nhà đầu tư. Nhằm tránh xảy ra trường hợp như với một doanh nghiệp Ấn Độ mới đây, họ có phàn nàn với tôi rằng: sau khi cung cấp phân bón và giống cây cho một số hộ nông dân Việt Nam, đến lúc thu hoạch họ lại đem bán cho thương lái thu mua giá cao hơn mà không làm gì được”, ông Doanh nói.
Ngoài ra, chính sách đất cũng là một vấn đề khá quan trọng được nhiều ý kiến bày tỏ. Đại diện một doanh nghiệp FDI về sản xuất giống cây trồng ở Nam Định cho hay: Luật khuyến khích đầu tư FDI mà không gắn với vấn đề đất đai thì sẽ không đem lại hiệu quả thực sự.
“Chúng tôi đã đầu tư một trung tâm giống lúa lai ở Nam Định, chỉ có 5ha nhưng chúng tôi đã làm việc với hàng trăm nông dân, rồi mất đến 3 năm để thỏa thuận xong với họ. Điều này làm tăng chi phí hơn rất nhiều so vs dự kiến bán đầu”, vị này kiến nghị “Bộ Nông nghiệp nên có những chính sách đất đai tốt hơn cho những công ty sản xuất giống cây trồng khi đầu tư vào Việt Nam”.
Không chỉ kém trong việc thu hút vốn ngoại,nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại ttình trạng các doanh nghiệp trong nước chạy ra nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, điển hình mới đây là trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Bởi theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định: “Cơ chế chính sách thông thoáng và ưu đãi là lý do để tập đoàn đầu tư sang Lào, Campuchia và Myanmar”.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, Hoàng Anh Gia Lai vì không tìm được vùng đất đủ lớn để đầu tư ở Việt Nam nên họ tìm ở Lào, Myanmar. Việt Nam cần giải quyết được cơ chết tích tụ ruộng đất, tập trung vùng nguyên liệu sản xuất đủ lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tại buổi lấy ý kiến, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét, để thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, Việt Nam cần xác định đâu là những ngành tiềm năng để thu hút FDI. Đồng thời cũng cần phải tiến hành các biện pháp một cách đồng bộ, lồng ghép, có nghĩa không chỉ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà cần cả các bộ, ngành khác phải vào cuộc. Kinh nghiệm của WB cho thấy, việc xúc tiến đầu tư theo nhóm ngành cụ thể sẽ có hiệu quả hơn xúc tiến đầu tư chung chung.
“Chúng tôi sẵn sàng giúp Bộ Nông nghiệp Việt Nam để tạo một ngành nông nghiệp thông minh, thông thái, đem lại lợi ích cho người nông dân. Chúng tôi vinh dự là một phần trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Cam kết cố gắng chia sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này”, bà Kwa Kwa nói.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cũng bày tỏ hết sức sự quyết tâm vực dậy nền nông nghiệp."Chúng tôi sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp. Không chỉ kêu gọi đầu tư, Việt Nam cam kết luôn đồng hành cùng nhà đầu tư. Sự hợp tác giữa Việt Nam và các bạn sẽ không phải là bữa tiệc, mà là một cuộc hôn nhân lâu dài, bền vững”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương