Cần quan tâm môi trường sống của người dân khu đô thị cũ
Trong quá trình phát triển ở các thành phố lớn, đô thị hóa là động lực và tiềm năng để phát triển và đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh các khu đô thị mới cao tầng đường rộng hè thoáng là các khu đô thị cũ xuống cấp theo thời gian, không chỉ quá tải, xấu xí, ô nhiễm, nguy hiểm mà còn gây khó khăn cho dịch vụ đô thị, bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Với thực trạng như vậy, Hội thảo Chính sách chỉnh trang phường, làng, ngõ xóm do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam vừa tổ chức đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị hay các kiến trúc sư về môi trường sống của người dân tại các khu đô thị cũ đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ đó cho thấy chính sách, cơ chế và yêu cầu quản lý trong xây dựng các khu nhà ở cũ, các làng xóm trong nội đô cần phải được quan tâm đúng mức.
“Tình trạng đáng lo ngại là hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm bị “đô thị” hóa một cách ồ ạt, lộn xộn tạo nên một vùng nhà ở ổ chuột kiểu mới, là các khu ngõ ngách… không ánh sáng mặt trời, đường xá chật hẹp, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, ngập úng, điều kiện sống tồi tệ, trẻ em không có chỗ chơi, người già không có chỗ dạo, xảy ra sự cố, xe cứu hỏa không thể vào, xe cứu thương không kịp cấp cứu…”
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận định và cho rằng, cần triển khai đề án tổng kiểm tra toàn bộ các khu vực phường làng – ngõ xóm để triển khai đồng bộ công tác lập quy hoạch chỉnh trang tái thiết khu đô thị cũ. Đồng thời ban hành các quy định cụ thể trong quản lý xây dựng khu vực cũ cũng như các “làng xóm” sắp tới đây trở thành “phường” khi phát triển mở rộng, khu công nghiệp khu đô thị mới.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến tình trạng không gian công cộng trong các khu dân cư cũ, các khu tập thể đang biến mất dần hoặc nếu có thì cũng hết sức đơn điệu, nhàm chán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhu cầu hàng ngày và hưởng thụ cuộc sống trong cộng đồng dân cư.
Về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Thị Hiền đến từ tổ chức Health Bridge cho rằng: Các không gian công cộng hiện nay giữa các khu chung cư, khu tập thể cũ bị lấn chiếm chủ yếu để tổ chức dịch vụ cho người dân như bãi gửi xe, bán hàng ăn, quán nước, sửa xe.
Công tác quản lý đô thị ở một số nơi đã bị buông lỏng trong một thời gian dài. Nhà ở được người dân nâng cấp, mở rộng và xây dựng một cách tự phát ở bất cứ nơi nào họ có thể lấn chiếm,trong đó có cả không gian công cộng ngay trong các khu dân cư, làm sai lệch các quy hoạch và kiến trúc ban đầu.
Bên cạnh đó, rất nhiều không gian công cộng đã được lấp đầy với các tòa nhà tạm thời và kiên cố cho mục đích thương mại và nhà ở. Do vây, các vườn hoa hay sân chơi tập thể tại các khu dân cư đã dần vắng bóng. Vì vậy, cần khẩn trương phục hồi, tôn tạo, nâng cấp các không gian công cộng này, đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ những lấn chiếm, sai phạm, sử dụng sai mục đích.
Điểm chung trong các tham luận trình bày tại hội thảo là các ý kiến đều nhận định: Trong lúc chưa đủ điều kiện để tiến hành cải tạo triệt để hoặc đầu tư xây dựng mới các khu chung cư cũ thì việc quản lý và vận hành hoạt động tại các khu đô thị cũ là một việc làm cần thiết trước mắt. Trong đó, việc sửa chữa, nâng cấp đường làng, ngõ xóm được xem là mang lại nhiều lợi ích trước mắt và cả lâu dài cho các hộ dân và cộng đồng.
Tìm hiểu kinh nghiệm từ địa phương cũng như nhiều nơi trên thế giới, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất có tính thực tiễn cao. Cụ thể là nhấn mạnh sự tham gia, giám sát của cộng đồng dân cư cũng như vai trò của chính quyền địa phương đối với công cuộc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết phường, làng ngõ xóm.
“Chỉnh trang đô thị cần có sự tham gia của các bên, không thể có phương án chỉnh trang đô thị nhập khẩu từ “trên trời”, còn người dân sống ở đó lại không biết chỉnh trang vì lợi ích nào.”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận xét.
Còn tiến sỹ Dương Quốc Nghị thì cho rằng: Cần chuyển việc cải tạo hạ tầng từ mô hình Nhà nước làm theo kiểu giải quyết tình thế, sang mô hình Nhà nước chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện, chính quyền và người dân địa phương đề xuất, tổ chức, huy động nguồn lực, lập bộ máy quản lý chuyên nghiệp thực hiện và duy trì.
Giải quyết mối quan hệ giữa các khu đô thị mới với các khu tập thể cũ ở các thành phố luôn là bài toán khó giải, nhưng lại vô cùng cần thiết, cần phải sớm giải quyết triệt để. Do vậy, Hội thảo lần này là một cơ hội để các chuyên gia cũng như các nhà quản lý qui hoạch cùng nhìn nhận và trao đổi để tìm ra những giải pháp hiệu quả, thực tế nhằm đảm bảo một môi trường sống tốt cho cư dân tại các khu đô thị cũ./.
Hoàng Tuấn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo