Cận Tết: Khan tiền lẻ mới
Hạn chế in tiền lẻ mới
Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, năm nay tiền mệnh giá từ 50.000 đồng trở xuống ít hơn mọi năm, đặc biệt khan hiếm mệnh giá 20.000 đồng, chỉ có một lượng tiền mặt mệnh giá nhỏ và mới nhất định.
Liệu cung có đáp ứng đủ cầu, vị này khẳng định ngay: “Kế hoạch nhận và phát tiền mới mệnh giá nhỏ được Ngân hàng Nhà nước xây dựng từ trong năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội chỉ là đơn vị thực hiện. Quan điểm của chúng tôi là phân bổ sát, tránh tối đa các trường hợp lợi dụng để bán ra ngoài chợ tự do kiếm lời”.
Liên lạc qua điện thoại, chị Minh, nhân viên một ngân hàng cổ phần tại chi nhánh Bắc Ninh chia sẻ: “Năm nay cả chi nhánh bọn em chỉ được có 200 triệu đồng tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt các loại mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng rất ít. Em rất lo vì bản thân còn phải đối ngoại với các khách hàng cá nhân. Em đang phải liên hệ nhờ mối quen ở Hà Nội nhưng ngay cả ngân hàng quốc doanh lớn cũng báo chưa dám hứa vì nghe bảo nguồn phân bổ tiền lẻ từ Ngân hàng Nhà nước năm nay rất ít” - Chị Minh nói.
Một giám đốc chi nhánh của BIDV cũng cho biết, năm nay chi nhánh chỉ được cấp tiền lẻ mới theo cơ cấu chi với một tỷ lệ rất nhỏ và chủ yếu để dành cho khách hàng thân quen có giao dịch qua tài khoản tại ngân hàng, việc đổi tiền lẻ với cán bộ công nhân viên cũng hạn chế.
Là một đơn vị đầu mối giao dịch thường có nguồn tiền lẻ phong phú nhưng chị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở giao dịch Agribank (số 2 Láng Hạ- Hà Nội), cho biết: “Hiện nhân viên của Sở cũng chưa đổi một đồng tiền lẻ nào. Năm nay chúng tôi quán triệt chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, rất ít đổi tiền lẻ. Tiền mệnh giá nhỏ và mới nếu có sẽ được đưa vào cơ cấu chi trả cho khách hàng chứ không thực hiện đổi riêng”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dịp Tết năm nay, tiền các mệnh giá vẫn được đưa vào lưu thông theo cơ cấu được phê duyệt. Tuy nhiên, số lượng đưa vào lưu thông được ấn định rõ ràng và không chạy theo nhu cầu tiền mới đi chùa, mừng tuổi của người dân.
“Năm nay tiền lẻ mệnh giá nhỏ như 500 đồng sẽ ít đi, không in mới mà chỉ sử dụng lượng tồn kho từ năm ngoái. Mệnh giá 20 ngàn đồng do đã chi ra nhiều nhưng qua các Tết, các Ngân hàng Thương mại nộp lại nhiều do đó nếu in thêm sẽ tăng chi phí, làm lãng phí. Thực tế cũng cho thấy rất nhiều đồng tiền mệnh giá nhỏ chỉ “tiêu” có một lần rồi quay trở lại ngân hàng” - Một lãnh đạo cơ quan này nói.
Nóng thị trường tự do
Trong khi đó, tại các chợ mua bán tiền lẻ mới khá sôi động. Tại đoạn đường ngắn phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội), đội quân đổi tiền lẻ luôn sẵn sàng phục vụ. Theo báo giá sáng 10/1 từ một phụ nữ đang cầm trên tay đủ loại mệnh giá, loại tiền 10 nghìn thì 10 ăn 8 (tức 100 nghìn đổi lấy 80 nghìn), tiền mệnh giá 1, 2, 5 nghìn thì tỉ lệ là 10 ăn 7. Riêng loại tờ 500 đồng thì có giá 10 ăn 6,5.
“Mức giá này có thể ấn định cho cả tuần này. Nhưng sang tuần sau thì chưa biết thế nào, còn phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Nghe nói năm nay nguồn cung tiền lẻ mới từ các ngân hàng cũng khan hơn”- Chị này nói.
Khảo sát tại các điểm đổi tiền khác trên địa bàn Hà Nội (chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh) dịch vụ đổi tiền chủ yếu áp dụng cho các loại tiền mệnh giá nhỏ với mức báo giá 100 tờ mệnh giá 200 đồng giá 300 ngàn đồng; cọc 1.000 tờ mệnh giá 500 đồng có giá 600- 650 ngàn đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh chung, các cọc tiền lẻ tại các nơi này sẽ không phải là tiền mới hoàn toàn mà vẫn có xen kẽ tiền cũ vì đa phần đều là tiền lẻ “quay vòng” lấy từ các chùa ra.
Còn tại các kênh đổi tiền lẻ trên mạng, mức phí đổi tiền lẻ được thông báo: loại 500 đồng (cho trên 100.000 đồng) sẽ tính 25%, tiền 1.000 đồng phí 16%... Liên lạc với một địa chỉ quen thu đổi ngoại tệ báo giá: tờ tiền 2 USD sẽ được bán 60 ngàn đồng/tờ, mua từ 50 tờ trở lên thì giá là 55.000 đồng/tờ; Riêng tờ 1 USD, theo vị này có thể thoải mái đổi ngang (tức 100 USD được 100 tờ).
Một cán bộ khác của Ngân hàng Nhà nước cho biết, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo không được lợi dụng việc đổi tiền lẻ để đầu cơ trục lợi và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị có biện pháp để việc sử dụng đồng tiền hợp lý trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Sự tăng cao bất hợp lý của nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ cũng là nguyên nhân nảy sinh nhiều loại hình kinh doanh tiền lẻ để trục lợi làm ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ, đồng thời gây phản cảm. |
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD