Cận Tết Mậu Tuất, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ do xăng dầu và dịch vụ y tế
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra nguyên nhân, CPI tháng 1/2018 tăng là do điều chỉnh 2 lần giá xăng dầu cùng với đó là giá điện tác động đến giá các loại hàng hoá thiết yếu khác.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 01 năm 2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,83%; giao thông tăng 1,17%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,40%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,34%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; giáo dục tăng 0,03%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.
Nguyên nhân được đơn vị này chỉ ra là do trong tháng 1/2018 là tháng diễn ra Tết dương lịch và cận thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất nên nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của các doanh nghiệp, các cơ quan tăng cao hơn các tháng trước.
Nguyên nhân cụ thể khiến tăng CPI là do giá xăng, dầu được 2 lần điều chỉnh tăng kể từ đầu năm đóng góp làm tăng CPI chung 0,11%. Bên cạnh đó, giá điện sinh hoạt tăng 2,64% do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 01/12/2017 đóng góp làm tăng CPI chung 0,06%.
Giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của Ủy ban nhân dân 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02 đã làm cho giá dịch vụ y tế tăng 2,34% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,09%.
Đặc biệt, như thường lệ, cuối năm nhu cầu sửa nhà, thay mới nhà cửa đã khiến cho nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,38%.
Riêng mặt hàng rau quả tươi, do thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào và nhiều chủng loại nên giá đã giảm mạnh 2,77%.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 01/2018 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 1,18% so với cùng kỳ.
Trong tháng 01/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản (chỉ số CPI đã loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống và một số mặt hàng do Nhà nước quản lý). Đây là chỉ số phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường, tác động của giá cả các mặt hàng đầu vào như xăng dầu và giá dịch vụ y tế và điện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Tháo gỡ nút thắt, đón đầu cơ hội bứt phá
Kiến nghị xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt theo các bước
Năm 2025, ngành nông nghiệp tăng tốc
Tỷ giá ngoại tệ ngày 2/1/2024: Giá USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 2/1/2025: Bật tăng mạnh, SJC chạm ngưỡng 84,8 triệu đồng mỗi lượng
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hóa