Cần thiết việc dạy trẻ kỹ năng sống, tự bảo vệ mình
(antđ) Trẻ em bị xâm hại và lạm dụng tình dục ngày càng tăng, bà có nhận xét gì trước diễn biến phức tạp này?
Thực trạng bạo lực và xâm hại trẻ em hiện là vấn đề rất đáng lo ngại. Trẻ em bị xâm hại tình dục và phải sống trong môi trường thiếu an toàn ngay tại gia đình, cũng như ngoài xã hội có những diễn biến phức tạp.
Tệ nạn rượu chè, cờ bạc len lỏi trong gia đình và thậm chí thủ phạm bạo hành, xâm phạm tình dục trẻ em là chính người bố hoặc họ hàng của nạn nhân. Điều này thể hiện sự xuống cấp rất nghiêm trọng về đạo đức. Vấn đề bảo vệ trẻ em ngoài xã hội khỏi bị bạo lực, xâm hại cần phải được các ngành, cấp có thẩm quyền và toàn xã hội quan tâm sâu hơn.
Giải pháp nào để hạn chế nạn xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em?
Cần có nhiều giải pháp, chẳng hạn như phải có quy định riêng về quản lý người tạm trú là trẻ em và người chưa thành niên. Các đô thị, là nơi người học tập, làm việc, trong đó có nhiều trẻ em từ các tỉnh về thành phố làm việc tại các nhà hàng, quán karaoke hay giúp việc cho các gia đình giàu có… Theo tôi, khi quản lý đối tượng tạm trú, cần phải có giải pháp để ngăn chặn nạn xâm hại tình dục và bạo lực với trẻ em, được quy định cụ thể trong các điều luật.
Vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nạn xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em hiện nay?
Vai trò của chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng xã hội rất quan trọng. Khi chưa giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em, cả nước có 162 nghìn cộng tác viên ở thành thị, nông thôn cho đến các thôn bản. Sau khi giải thể ủy ban này, chưa có giải pháp cụ thể đề cập đến nội dung nêu trên.
Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, đang tích cực làm việc với các địa phương và đã khôi phục được trên 41 nghìn cộng tác viên. Con số này tuy rất nhỏ so với 162 nghìn cộng tác viên trước đây, nhưng đóng vai trò rất quan trọng, là cánh tay nối dài của các xã, phường đến với trẻ em. Mỗi cộng tác viên quản lý theo dõi 150 hộ gia đình và nắm bắt tình trạng trẻ em trong các gia đình.
Địa phương nào có đội ngũ cộng tác viên tốt, thì công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại và bạo hành sẽ tốt hơn. Do vậy, nơi nào chưa có cộng tác viên, cần xem xét khôi phục lại và muốn thực hiện được việc này phải tháo gỡ từ tầm vĩ mô, có những cơ chế, chính sách hợp lý.
Dạy cho trẻ em kỹ năng sống là việc làm cần thiết.(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Về góc độ gia đình thì sao, theo bà?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải quan tâm sâu hơn về giáo dục truyền thống gia đình; tổ chức tập huấn cho những người làm cha, mẹ có kiến thức, kỹ năng để chăm sóc và bảo vệ con em mình. Bồi dưỡng cho các em kiến thức, để biết tự bảo vệ mình. Các tổ chức Đoàn - Đội có trách nhiệm giúp các em biết cách bảo vệ mình khỏi bị bạo lực, xâm hại.
Bản thân các gia đình, bố mẹ phải có kỹ năng, kiến thức chăm sóc nuôi dạy con. Đặc biệt, người mẹ phải phát hiện được khi người bố có dấu hiệu xuống cấp về đạo đức, dạy dỗ, trang bị cho con kiến thức để biết cách bảo vệ mình.
Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em đã được triển khai ở nhà trường và địa phương. Việc làm này có hiệu quả như thế nào đối với công tác ngăn chặn nạn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em?
Dạy cho trẻ em kỹ năng sống là việc làm cần thiết. Mọi tình huống, cách ứng xử, va chạm trong cuộc sống đời thường đều đòi hỏi các em phải có kỹ năng, biết bảo vệ mình, đối phó với những tình huống diễn ra trong cuộc sống. Như vậy, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội là phải giúp trẻ em có những kỹ năng này. Hiện nay, nhà trường đã cố gắng trang bị kỹ năng sống cho các em.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì còn khoảng cách khá xa. Những người làm công tác giáo dục cần thấy rõ trách nhiệm của mình. Những người làm cha, mẹ phải nâng cao kỹ năng sống trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân và kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con; giáo dục con nhận thức đúng về các giá trị sống thật sự chuẩn mực.
Hồng Tuấn
End of content
Không có tin nào tiếp theo