Xã hội

Cần xử lý nghiêm cán bộ bức cung, nhục hình

TP - Một số đại biểu kiến nghị như vậy tại phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập đánh giá chứng cứ, chống bức cung nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự” do Ủy ban Tư pháp tổ chức, ngày 11/9.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trao quyết định đình chỉ thi hành án cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Ảnh: Thanh Lưu

Báo cáo giải trình của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, trong 3 năm qua (1/2011 - 12/2013) có 19 cán bộ, chiến sỹ bị tước danh hiệu, bị khởi tố điều tra về hành vi dùng nhục hình. Không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung.

Ngoài ra, có 183 trường hợp trong cơ quan cảnh sát điều tra các cấp bị xử lý kỷ luật tước danh hiệu công an nhân dân, điều chuyển công tác, giáng cấp do vi phạm quy trình công tác, nghiệp vụ. Điển hình việc xử lý kỷ luật Phó trưởng công an quận Hải Châu - TP Đà Nẵng, một số cán bộ liên quan trong vụ việc đối tượng Võ Văn Tâm bị chết tại trụ sở công an quận ngày 1/2/2013.

Các vụ án nhục hình đã gây ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang).

Do nóng lòng phá án?

Các ĐB truy vấn nguyên nhân bức cung, nhục hình dẫn đến vi phạm quyền công dân, làm gia tăng oan sai. “Hằng năm, Bộ Công an có đánh giá về việc bức cung, nhục hình hay không, hậu quả ra sao? Mức án dành cho các đối tượng dùng bức cung nhục hình, nhất là khi gây hậu quả nghiêm trọng còn nhẹ, đã thích hợp chưa?” - ĐB Bùi Thị An đặt chất vấn.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề nghị làm rõ “Thời gian qua số nghi can, bị can chết trong trại giam là bao nhiêu? Có áp lực, tiêu cực gì trong lực lượng điều tra viên không?”. 

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay: Báo cáo hằng năm, Bộ Công an đánh giá toàn diện hoạt động điều tra, chứ không chỉ riêng về bức cung, nhục hình. Trong 3 năm qua đã khởi tố 10 vụ án, trong đó có 3 vụ để nghi phạm chết trong phòng tạm giữ, chủ yếu là xảy ra tại các đơn vị công an cấp huyện.

Nguyên nhân xảy ra nhục hình do yếu tố con người, cán bộ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tư tưởng thành tích, nóng vội. Ví dụ vụ việc xảy ra tại Tuy Hòa (Phú Yên), anh em nóng vội dẫn đến nhục hình chứ vụ việc cũng rất đơn giản. Trong các vụ này đều xem xét kỷ luật trách nhiệm của người đứng đầu, xử nghiêm người vi phạm. 

“Áp lực trong cơ quan điều tra rất nhiều, rất căng thẳng trong truy tìm chứng cứ. Còn áp lực này khác, như can thiệp gây sức ép là không có. Không có chuyện vụ này thì xử vụ kia thì không” - ông Vương cho hay. 

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong điều tra phải tôn trọng chứng cứ, nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng điều tra viên lại cố gắng suy đoán theo hướng có tội.

“Oan sai, bức cung, nhục hình xảy ra do nhận thức, vị trí bất bình đẳng giữa người bị điều tra với điều tra viên. Phải có cán bộ điều tra giỏi, chứ đông mà yếu kém thì vẫn sót hay lọt hoặc oan sai. Vì đấu trí thua, anh mới phải bức cung, nhục hình” - ĐB Nghĩa phân tích. Để chống bức cung, nhục hình cần tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án càng sớm càng tốt; đồng thời nên tạo điều kiện để luật sư có quyền tiến hành thu thập chứng cứ độc lập.

Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh nhìn nhận, khung hình phạt tội dùng nhục hình là quá nhẹ, mức án 15 năm là cao nhất. Một số địa phương khi xét xử các vụ án nhục hình gây chết người, còn cho hưởng tình tiết giảm nhẹ! 

Vụ ông Chấn - thiếu sót lớn về điều tra

Trả lời ý kiến Phó Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga và một số ĐB, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là một thiếu sót lớn.

“Đọc lại, thấy chỉ cần làm hai việc là rõ: Đó là có lời khai nhân chứng cho thấy ông Chấn ngoại phạm; tại hiện trường dấu vết bàn chân để lại, nếu giám định vết chân cũng sẽ rõ ai là hung thủ. Dấu vết này còn lưu lại trong hồ sơ, sau 10 năm giám định lại vẫn khẳng định đúng là của Lý Nguyễn Chung” - Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay. 

Nói thêm về vụ án này, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết, đã khởi tố bắt giam hai cán bộ liên quan, tới đây sẽ phải xử lý thêm một số đối tượng nữa. Sai phạm ở đây là của điều tra viên và kiểm sát viên đồng lòng làm sai. Tuy nhiên chưa thấy có dấu hiệu bức cung mà chỉ có dùng nhục hình và cán bộ này cũng đã chết rồi.

Cũng theo lãnh đạo Viện KSNDTC, sau vụ án oan ông Chấn, đến nay Viện kiểm sát đã kháng nghị thêm 8 vụ án nữa, riêng Bắc Giang có hai vụ, còn lại ở các địa phương. Những vụ án này đang được xem xét, làm rõ.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, 3 năm qua TAND các cấp đã thụ lý 10 vụ án, 23 bị cáo phạm tội dùng nhục hình. Xu hướng vụ án nhục hình gia tăng trong thời gian gần đây: Năm 2011, tòa án thụ lý 1 vụ với 2 bị cáo, năm 2012 thụ lý 4 vụ 7 bị cáo, năm 2013 thụ lý 5 vụ 14 bị cáo.
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo