Cảng Hà Nội và những căn nhà hoang nằm trong chỉ giới thoát lũ
Bí ẩn những căn nhà “ma” ven bờ sông Hồng
Khoảng giữa tháng 6/2009, người dân thuộc tổ dân phố số 33, 12C, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội vui mừng khôn xiết vì Cảng Hà Nội và Công ty Sao Nam Sông Hồng triển khai xây dựng con đường bê tông kéo dài từ ngã ba đường Lãng Yên đến cửa phía Nam giao với đường Nguyễn Khoái. Người dân cho rằng, từ nay họ đã có con đường sạch đẹp, thoát cảnh ra khỏi ngõ là bụi bặm, nhếch nhác do hoạt động xếp dỡ của Cảng Hà Nội. Nhưng cũng trong thời gian này, người dân ở đây lại ngỡ ngàng vì hàng chục nghìn mét vuông đất nằm ven sông Hồng được san ủi, đổ gạch, đá để tiến hành xây dựng những công trình kiên cố khác.
Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân sinh sống gần Cảng Hà Nội nhớ lại: “Tôi không nhớ là tháng mấy, nhưng ngày đó rất nắng nóng, công nhân ở đây vừa xây dựng con đường bê tông này, vừa tiến hành san mặt bằng để xây dựng các công trình khác dọc sông Hồng”. Tuy nhiên, theo như lời bà Mai, khi đó những người dân trong khu vực chỉ mong muốn có con đường đi lại cho đỡ bụi bặm, chứ ít quan tâm đến câu chuyện đúng sai như thế nào.
Đi trên con đường bê tông dọc theo Cảng Hà Nội, chúng tôi bắt gặp tấm biển “Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” nằm thẳng hàng trên chỉ giới thoát lũ. Tấm biển màu vàng đã phai sờn theo năm tháng, xung quanh cây cỏ đã mọc um tùm. Đi sâu vào trong, những căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp hoặc dạng biệt thự, để không hoang vắng, rác thải, cây cỏ mọc che lấp xung quanh. “Ban ngay khi ra ven sông mà đi qua mấy cái ngôi nhà có cảm giác hơi rờn rợn. Còn ban đêm, lũ trẻ ở đây chẳng đứa nào dám bén mảng vào trong đó. Chúng tôi hay gọi những căn nhà đó là “lâu đài ma”, bà Mai cho biết.
Theo chỉ dẫn của bà Mai, chúng tôi mò mẫm chui qua thanh chắn barie để vào sâu bên trong những ngôi nhà này. Đúng như lời bà Mai nói, chạy dọc theo sông Hồng có đến 6, 7 căn biệt thự xây dựng rất rộng lớn nằm vất vưởng. Một số căn vẫn đang được sử dụng nhưng theo kiểu “chui lủi”, một vài căn khác thì dùng cho công nhân ở đây… tiểu tiện, hoặc cửa đóng then cài, hoặc nơi để xe máy, xe ô tô cỡ nhỏ.
Ông Hoàng Văn Tương, một tài xế xe ôm hàng ngày đứng chờ khách ở khu vực Cảng Hà Nội, khi nhìn vào loạt ngôi nhà đã bỏ hoang nhiều năm nói tiếc rẻ: “Những người nghèo ở quê lên Hà Nội kiếm sống như chúng tôi mà được cho ở miễn phí trong mấy căn nhà này thì tốt biết mấy. Sao người ta lắm tiền thế, xây xong rồi bỏ không hàng tỉ đồng giữa nắng mưa”.
Vì sao công trình sai phạm không bị xử lý?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường trước bến Cảng Hà Nội dài 1,8km được khởi công vào tháng 6/2009, đến ngày 13/9/2010 thì tổ chức cắt băng khánh thành và gắn biển công trình “nâng cấp tuyến đường trước bến Cảng Hà Nội” để chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là tuyến đường được đầu tư, nâng cấp mới hoàn toàn dựa trên cơ sở con đường cũ đã xuống cấp trước đó. Tuy nhiên, trong thời gian khởi công tuyến đường này, Cảng Hà Nội cũng đồng thời liên danh với Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng tiến hành xây dựng hàng loạt căn nhà nằm trong chỉ giới thoát lũ, để kinh doanh du lịch.
Được biết, Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh lữ hành nội địa và các dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ ăn uống... Để xây dựng loạt ngôi nhà kiểu dạng biệt thự nằm ven sông Hồng này, chắc chắn họ đã phải đầu tư rất nhiều tiền. Tuy nhiên, không hiểu sao, họ lại có thể liên danh được với Cảng Hà Nội để xây dựng hàng loạt công trình trái phép nằm trong chỉ giới thoát lũ này?
Đi dọc con đường bê tông từ đầu đến cuối Cảng Hà Nội, chúng tôi thấy hàng chục cột mốc chỉ giới thoát lũ được đánh dấu đỏ chót, nhưng kỳ lạ là hàng loạt công trình trái phép vẫn mọc lên tại khu vực cấm này. Ông Trần Ngọc Thắng, Phó Giám đốc cảng Hà Nội cho biết, công trình nằm trong chỉ giới thoát lũ của Công ty Sao Nam Sông Hồng được lãnh đạo cũ của Cảng Hà Nội ký kết cho phép xây dựng trên diện tích 20.000m2. Sau đó, là hàng loạt công trình kiên cố, cao từ 3, 4 tầng kiểu lâu đài, biệt thự mọc lên với mục đích kinh doanh du lịch sông Hồng.
Theo ông Thắng thì hiện nay, các ngôi nhà này bỏ không. Tuy nhiên qua nhiều ngày đêm mà chúng tôi tiếp cận thì buổi tối, một số căn nhà vẫn đỏ điện, ban ngày có xe ô tô ra vào. Những người dân ở gần khu vực này cũng cho biết, một số ngôi nhà xây dựng trái phép đó, hiện vẫn được sử dụng bình thường.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thắng cho biết, sau khi Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng hoàn thiện các công trình này thì các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã xuống lập biên bản về hành vi xây dựng trái phép. Tuy nhiên, ông Thắng cũng thú nhận là từ 2010 đến ngay, nghĩa là đã 6 năm trôi qua, các ngôi nhà nằm trên hành lang thoát lũ vẫn đang tồn tại, chưa bị xử lý bởi cơ quan nào(?). Điều đáng lo ngại là hiện nay, nằm trong khu đất được liên danh để xây dựng các công trình trái phép này là hiện tượng lén lút đổ hàng trăm tấn cát, sỏi để lấp ven sông nhằm mở rộng diện tích xây dựng. Để làm rõ về vấn đề này, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Vinh Quang, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng nhưng ông Quang cho biết, toàn bộ hồ sơ đang có đầy đủ tại UBND phường Thanh Lương. “Có việc gì nhà báo cứ làm việc với anh Khải (ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch phường – PV), dưới đó nắm hồ sơ đầy đủ về vụ việc. Vấn đề này, tôi không trả lời được”, ông Quang cho biết. Về phía UBND phường Thanh Lương, chúng tôi cũng đã đặt lịch làm việc nhưng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía lãnh đạo phường.
Được biết, vào tháng 5/2014, Cảng Hà Nội được cổ phần hóa và theo thông tin từ ông Trần Ngọc Thắng, Phó giám đốc Cảng cung cấp, đến nay sau hai lần mua lại cổ phần, Cảng Hà Nội do Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm Tổng giám đốc. |
Theo Luật Đê điều, trong chỉ giới thoát lũ không được xây dựng bất kỳ công trình nào, ngoại trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Ngoài ra, Luật Đê điều cũng cấm đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo