Cảng Hải Phòng "ngập" trong hàng ngàn container rác
Lợi dụng chủ trương của Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt ngang nhiên nhập khẩu rác phế liệu vào Việt Nam thông qua con đường tạm nhập tái xuất.
Chình ình 5000 container rác tại Hải Phòng
Những năm gần đây, lợi dụng kẽ hở của luật pháp trong nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu rác thải công nghiệp, hóa chất độc hại vào nước ta. Trong khi đó, do thiếu chế tài xử lý nên các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước thản nhiên tìm cách chối bỏ hàng hóa theo kiểu hàng vô chủ hoặc chấp nhận bị xử phạt hành chính, sau đó không thực hiện việc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Hải quan Hải Phòng, chỉ riêng các cảng tại Thành phố này đã chứa khoảng 5.000 container hàng quá hạn làm thủ tục. Cục Hải quan Hải Phòng mới chỉ khám xét được 1.363 container, trong đó có 104 container chứa nhựa phế liệu, máy tính, linh kiện điện tử cũ, nát, 1.085 container chứa lốp cao su đã qua sử dụng và 164 container quần áo cũ. Ngoài ra, còn gần 4.000 container tồn đọng khác, Cục hải quan đang lập kế hoạch để tiến hành kiểm tra xem hàng hóa bên trong là mặt hàng gì?.
Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ tình trạng tuồn rác thải công nghiệp vào Việt Nam ngày càng gia tăng là do ở những nước phát triển, chi phí để xử lý rác thải rất cao nên các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đẩy số rác này sang các nước đang phát triển.
Mặt khác, do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở nước ta còn thiếu đồng bộ, nhiều điểm chưa rõ ràng nên nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận sẵn sàng bất chấp lợi ích chung của cộng đồng.
Điển hình, mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSPCTPMT) - CATP Hải Phòng phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.Hải Phòng kiểm tra một số container tại cảng. Trong đó, theo tài liệu xác minh ban đầu, các container số GATU8037770; GVCU5055019 và GVCU5216279 thuộc vận đơn: GOSUHKG1396402, được tàu PESCO VOYAGER vận chuyển trên chuyến 329S cập cảng Nam Hải (Hải Phòng), do hãng tàu ZIM làm đại lý vận tải; Các container số BMOU4693543 và CAIU8616817 thuộc vận đơn: NSSLHGHPC1400990, được tàu PEGASUS TERA vận chuyển trên chuyến 1406S, cập cảng Greenport (Hải Phòng), do hãng tàu Nam Sung làm đại lý vận tải.
Người được thông báo nhận hàng trên vận đơn là Công ty cổ phần đầu tư Sông Lô (địa chỉ số 3/38/58/6 Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội). Trên vận đơn ghi rõ tên hàng là thiết bị điện đã qua sử dụng, được vận chuyển từ Hồng Kông về Hải Phòng. Tuy nhiên qua kiểm tra, số hàng trên được phát hiện là 120 tấn hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó, khoảng 50 tấn bản vi mạch linh kiện điện tử là chất thải nguy hại, vi phạm Công ước BASEL, dấu hiệu của hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự. Còn lại là khoảng 70 tấn gồm máy tính xách tay, CPU, màn hình vi tính, máy server các loại đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định.
Một trong những vụ “nhập khẩu rác" lớn nhất khác cũng vừa được các cơ quan chức năng phát hiện vào tháng 7 vừa qua tại Hải Phòng. Theo đó, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an thành phố Hải Phòng đã kiểm tra và phát hiện tại kho bãi và nhà xưởng của Công ty TNHH Mai Hương (Hải Phòng) có khoảng 340 tấn linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng.
Qua kết quả giám định hàng hóa đã phát hiện trong số đó có 3 container là chất thải nguy hại và có 3 container thuộc tờ khai của Công ty Cổ phần Phát triển xăng dầu Thái Dương, cũng đóng trên địa bàn Hải Phòng.
Tiếp tục điều tra, cơ quan quản lý phát hiện lô hàng 20 container mà công ty này khai báo với hải quan là sắt thép phế liệu được nhập khẩu, nhưng trên thực tế chỉ có 2 container là hàng đúng khai báo, còn lại 18 container là các linh kiện điện tử, vi mạch điện tử... đã qua sử dụng.
Hàng có chủ thành hàng vô chủ
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Đỗ Văn Điệp, Đội trưởng phòng chống tội phạm về thương mại và xuất nhập khẩu, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hải Phòng cho biết: Các vụ việc nhập khẩu rác thải đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong công-ten-nơ là phế thải. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên trong các bộ chứng từ thanh toán lại từ chối nhận hàng với lý do: hàng không đúng hợp đồng, không đúng chủng loại hàng hóa, chủ hàng nước ngoài gửi nhầm địa chỉ...
Ông Phạm Mạnh Tự - Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết, đối với cái hàng hóa hải quan thì cơ quan hải quan hoàn toàn căn cứ trên khai báo trên tờ khai hải quan và xuất trình cái chứng từ kèm theo, thì cơ quan hải quan mới xác định được là hàng hóa thực tế nhập khẩu là hàng hóa gì...
Việc nhập hàng về Cảng nhưng không mở tờ khai hải quan, thực chất là thủ đoạn của các doanh nghiệp để tuồn rác phế liệu thuộc danh mục cấm từ các nước khác về Việt Nam, bởi lẽ, khi các doanh nghiệp nước ngoài xuất hàng cho doanh nghiệp trong nước thông thường đều vận chuyển qua các hãng tàu biển. Khi tàu đến Cảng thì chỉ cần xuất trình chứng từ vận tải là được phép dỡ hàng xuống Cảng, trong vòng 90 ngày doanh nghiệp nhận hàng sẽ đến làm thủ tục thông quan.
Nếu doanh nghiệp nhập hàng không đến mở tờ khai, cơ quan hải quan cũng không thể biết container được vận chuyển đến chứa loại hàng gì. Chỉ đến khi hết thời hạn 90 ngày mở tờ khai, cơ quan hải quan mới mời chủ hàng trên chứng từ vận tải lên giải quyết. Thế nhưng, đều chung một kịch bản là phía doanh nghiệp không biết, không liên quan và không ký hợp đồng nhập hàng với phía công ty nước ngoài gửi hàng.
Theo VnMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo