Căng thẳng leo thang, Campuchia dọa ngừng hợp tác với LHQ
Ngày 16/9, Đại sứ Campuchia tại Geneva dọa ngừng hợp tác với cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) sau khi phản ứng gay gắt tuyên bố chung của 36 quốc gia trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra trong tuần này.
Sau khi chỉ trích tuyên bố kêu gọi chính phủ Campuchia chấm dứt việc phản ứng mạnh mẽ với phe đối lập, đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc Ney Sam Ol, phát biểu rằng bản ghi nhớ với Văn phòng Cao ủy về Nhân Quyền của LHQ (UNOHCHR) vẫn trong tình trạng lấp lửng.
“Dĩ nhiên, chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại cởi mở với tất cả các đối tác nhưng đối thoại phải dựa trên tôn trọng lẫn nhau”, ông Sam Ol phát biểu.
"Chúng tôi đang đàm phán để tiếp tục thực hiện bản ghi nhớ này với UNOHCHR, tuy nhiên hiện chúng tôi không hoan nghênh bên ngoài can thiệp vào tình hình chính trị của chúng tôi", đại sứ Sam Ol nói tiếp.
Ông này khẳng định rằng, lo ngại của quốc tế về tình hình nhân quyền tại Campuchia là không có cơ sở.
"Một số đảng phái đang thao túng, kích động và làm to chuyện vì quyền lợi chính trị của mình”", đại sứ Campuchia nhấn mạnh.
Theo ông Sam Ol, các bên đã “vi phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật và dân chủ” khi kêu gọi Phnom Penh bãi bỏ những lời buộc tội nhằm vào các chính khách đối lập.
Tuyên bố của ông Sam On đưa ra 1 ngày sau khi 36 quốc gia đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích tình trạng leo thang căng thẳng chính trị và vi phạm nhân quyền.
Bà Wan-Hea Lee, đại diện của UNOHCHR tại Campuchia thừa nhận rằng, bản ghi nhớ giữa nước này với UNOHCHR vẫn đang trong tình trạng “không tiến triển”.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết trách nhiệm của UNOHCHR là thúc đẩy việc "tuân thủ tốt hôn các tiêu chuẩn về nhân quyền".
Cùng ngày, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết cáo buộc chính phủ Campuchia vì các vụ tấn công nhằm vào đảng đối lập. Theo đó, nếu mối quan hệ giữa các đảng không cải thiện, hậu quả để lại cho chính quyền Thủ tướng Hun Sen là khôn lường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo