Quốc tế

Căng thẳng Mỹ - Trung hạ nhiệt

Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung kết thúc với những tuyên bố “kết quả tích cực” hay “quan hệ hai nước tốt đẹp chưa từng thấy” sau vụ luật sư Trần Quang Thành gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Kết thúc ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng “cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế” Mỹ - Trung, các quan chức Mỹ cho biết Bắc Kinh hứa sẽ đưa ra nhiều thay đổi, gồm việc cho phép các công ty nước ngoài mua đến 49% cổ phần trong các công ty chứng khoán liên doanh, mở cửa thị trường bảo hiểm xe hơi...

 

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết kế hoạch mới của Bắc Kinh về một tỉ giá “định hướng theo thị trường” cho đồng nhân dân tệ là “rất hứa hẹn”.

 

Xây dựng một quan hệ mới

 

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đánh giá cao những “kết quả tích cực” đạt được giữa hai nước. Tân Hoa xã ngày 4/5 dẫn lời phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào cho biết hai nước đều chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ mới, phá vỡ quan niệm lâu nay cho rằng các nước mạnh luôn đấu đá lẫn nhau thông qua suy nghĩ, hành động và chính sách.

 

Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hai bên cần tận dụng các cuộc đối thoại để đẩy mạnh trao đổi chiến lược, củng cố sự tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác chiến lược trên cơ sở chú trọng các lợi ích cơ bản. Bắc Kinh cũng đồng ý một số thay đổi trong việc kiểm soát thị trường tài chính, thương mại.

 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng quan hệ Mỹ - Trung “đang tốt đẹp chưa từng thấy” dù Bắc Kinh đã công khai chỉ trích sự can thiệp của Mỹ trong vụ luật sư Trần Quang Thành và đòi Washington phải xin lỗi.

 

Về số phận của luật sư Trần, dù tránh đề cập trực tiếp, bà Clinton nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nhân quyền bởi khái niệm nhân quyền không chỉ phản ánh các nguyên tắc của phương Tây mà là quyền cơ bản chung của mọi người trên toàn thế giới.

 

Đáp lại tuyên bố của ông Hồ Cẩm Đào về sự khác nhau trong quan điểm giữa hai nước, bà Clinton cho biết: “Chúng ta không thể phớt lờ những khác biệt trong mối quan hệ toàn diện mà chúng ta đang xây dựng”.

 

Vụ luật sư Trần Quang Thành đã gây nên một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Trung trước và trong hai ngày “đối thoại chiến lược và kinh tế”.

 

Ông Trần được gợi ý đi du học

 

Ngày 4/5, Trung Quốc đã loan báo luật sư Trần có thể xin du học. “Ông Trần Quang Thành đang được điều trị ở bệnh viện - người phát ngôn Lưu Vi Dân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói - Nếu ông ấy muốn ra nước ngoài học, với tư cách là một công dân Trung Quốc, ông ấy có thể nộp đơn thông qua các kênh thông thường theo luật định, như mọi công dân khác”.

 

Trước đó, luật sư Trần đã gọi điện cho Quốc hội Mỹ để trình bày nguyện vọng được rời khỏi Trung Quốc. Ông nói mình đang bị đe dọa.

 

Đề cập diễn biến mới về vụ ông Trần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố đã có “tiến triển” và bà cảm thấy “được khích lệ” bởi tuyên bố của phía Trung Quốc.

 

AFP dẫn lời bà nói rằng bà hi vọng vào một giải pháp “vừa tôn trọng sự lựa chọn của ông Trần vừa tôn trọng những giá trị của chúng tôi”. Bà cam kết sẽ tiếp tục giữ liên lạc với ông Trần và theo dõi vụ việc này. “Đây không chỉ vì những nhà hoạt động nổi tiếng, mà là vì nhân quyền và khát vọng của hơn 1 tỉ người Trung Quốc và hàng tỉ người trên thế giới” - bà Hillary nhấn mạnh.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết ông Trần đã nhận được lời mời từ một trường đại học Mỹ và yêu cầu Bắc Kinh nhanh chóng giải quyết cho ông ra nước ngoài.

 

Theo chuyên gia Huang Jing thuộc Đại học Quốc gia Singapore, việc nhanh chóng đưa ra giải pháp cho vấn đề luật sư Trần không chỉ giúp Bắc Kinh gạt bỏ được sự soi mói về nhân quyền mà còn hạ nhiệt sự bất mãn đối với chính phủ sau hàng loạt bê bối, điển hình là vụ Bạc Hi Lai. Trong khi đó, Mỹ cũng muốn giữ gìn mối quan hệ với Trung Quốc để giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế.

 

 

Luật sư Trần đã trốn thoát ra sao?

Theo lời kể của báo New York Times ngày 4/5, ông Trần đã trèo qua nhiều bức tường trong đêm tối để thoát khỏi nhà vào ngày 22/4, bị trật chân, rồi được một nhà hoạt động nhân quyền đưa bằng xe hơi đến thủ đô Bắc Kinh, cách xa nhà ông hàng trăm kilômet...

 

Tại Bắc Kinh, ông Trần phải thay đổi chỗ ở nhiều lần trước khi quyết định tìm đến tòa đại sứ Mỹ. Một người bạn của ông Trần đã liên hệ với tòa đại sứ Mỹ, giải thích là ông đã bị thương nặng ở chân và đang cần giúp đỡ. Sau khi tham khảo Washington, cố vấn pháp luật của Bộ Ngoại giao Mỹ Harold Koh, lúc đó đang có mặt tại Bắc Kinh, đã đồng ý trợ giúp nhân đạo nhất thời cho ông Trần. Theo đó, tòa đại sứ sẽ đưa xe đến điểm hẹn được ấn định cách xa tòa đại sứ nhiều kilômet để đón ông Trần, còn ông Trần cũng sẽ đến nơi hẹn bằng xe hơi.

 

Đến giờ hẹn, phía Mỹ phát hiện có những xe an ninh của Trung Quốc, một xe bám theo sau xe của họ, còn một xe bám theo sau xe của ông Trần. Xe của ông Trần chạy vào một đường nhỏ, xe của tòa đại sứ lập tức kè sát xe của ông Trần, và đúng là ông Trần đã được lôi sang xe của tòa đại sứ Mỹ và phóng đi. Sau khi cắt được “cái đuôi” bám theo, xe của tòa đại sứ Mỹ chạy vào trụ sở của mình. Từ đó, mọi thông tin bị khóa chặt sau bốn bức tường và tòa đại sứ từ chối xác nhận sự hiện diện của ông Trần. Trong khi đó, phía Mỹ lại ngấm ngầm thảo luận với nhà cầm quyền Trung Quốc, cụ thể là với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải.

 

T.N.

 

 

Theo TT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo