Xã hội

Cảnh báo chiêu găm vé moi tiền

Dù còn gần 2 tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhưng đã xảy ra tình trạng khan hiếm vé máy bay, tàu hỏa. Xe khách phía Bắc chưa có biểu hiện tăng giá rõ rệt nhưng tiềm ẩn nguy cơ khách bị “xin” thêm tiền ngoài giá vé...

 Vào dịp nghỉ lễ, dù thông báo không tăng cước nhưng một số nhà xe vẫn đòi thêm tiền của khách khi lên xe. Ảnh: Bảo An

 

Các phòng vé “ăn tiền” thế nào?

 
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 6 ngày nên nhu cầu đi lại tăng cao. Tình trạng khan hiếm vé, đặc biệt là vé máy bay xảy ra nhiều ngày nay. Ngày 16/4, trên hệ thống bán vé của Hãng Hàng không quốc gia (VNA), tình trạng này xảy ra từ 24/4 đến 27/4 ở chiều đi. Chẳng hạn, chặng Hà Nội TPHCM vào các ngày cao điểm, vé hạng phổ thông hầu hết không còn; chủ yếu còn vé hạng thương gia.
 
 Muốn mua vé hạng phổ thông, khách buộc phải đi chuyến bay sáng sớm hoặc cuối ngày. Ngay cả vé phổ thông, giá cũng cao hơn trước. Chẳng hạn, trên chặng này vào ngày thường, khách có thể dễ dàng mua từ 1,3-1,5 triệu đồng/vé; nhưng những ngày này, giá bán đều trên 2 triệu đồng.
 
Vé Hãng hàng không Vietjet những ngày cao điểm cũng không còn giá rẻ. Chẳng hạn, vé đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng trong ngày 26/4 của hãng này đều có giá trên 1,7 triệu đồng; giá vé hạng Sky Boss (hạng cao cấp) có giá 3,8 triệu đồng. 
 
Trong khi, ngày thường, khách có thể dễ dàng mua vé với mức giá khoảng trên 1 triệu đồng. Cũng trên chặng này, Hãng Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific có vé 420 nghìn vào ngày 22/4; nhưng từ ngày 25 đến 27/4, vé tăng khoảng 2 triệu đồng. Tất nhiên, vé các chặng đều không dễ mua.
 
Đại diện các hãng hàng không giải thích, lý do tăng giá: Ngày thường trong năm đã hạ giá để kích cầu; dịp cao điểm cần “thu lại” phần đã bán rẻ. Ngoài ra, dịp này cũng có những chuyến bay lệch đầu, ít khách nên phải tăng thu ở chiều đông để bù lỗ. Vì thế, trong khi ngày thường có đến khoảng 10 loại vé trên một chuyến bay, nay chỉ có 2 loại vé cơ bản (hạng thương gia và phổ thông).
 
Tuy nhiên, do nhu cầu phổ biến tập trung vào mức tiền vừa phải nên vé phổ thông khan hiếm. Một nhân viên bán vé máy bay tiết lộ, dù các hãng công khai bán vé trên hệ thống, nhưng các đại lý vẫn có cách lách để ôm vé hạng phổ thông. Cách phổ biến nhất là đặt vé từ trước theo đoàn khách. 
 
Do hãng hàng không cho phép cập nhập tên khách đoàn sau khi ký hợp đồng, trước khi bay một thời gian nhất định (nên các đại lý lấy vé khách đoàn bán cho khách lẻ với giá cao). “Giá cuối cùng sẽ do khách và người của đại lý thỏa thuận; giá chính thức báo về hãng vẫn giữ nguyên.
 
Đây là cách kiếm thêm của các đại lý nhỏ nhưng cũng có rủi ro: vé không bán hết, hãng sẽ phạt theo hợp đồng” – Một nhân viên đại lý VNA cho biết. Những ngày thường, một số phòng vé lẻ còn dùng “chiêu” báo với khách trả tiền giá cao (hạng phổ thông), nhưng kỳ thực là vé giá rẻ (giá thấp). Nếu xui xẻo, khách chuyển giờ bay mới bị lộ.
 
Cách thứ hai mà các đại lý đang dùng để “om” vé phổ thông dịp này đặt vé theo tên người bất kỳ; khi có khách mua sẽ thay tên. Tuy nhiên, hiện VNA không cho đổi tên nên cách này chỉ áp dụng đối với các hãng hàng không giá rẻ. Đại diện Vietjet cho biết, việc đổi tên nằm trong chính sách kinh doanh của hãng; các đại lý muốn “giữ” vé theo biện pháp này cũng phải chấp nhận nộp phí đổi tên nên hiện tượng này không nhiều.
 
Hiện hành khách không thể mua vé giường nằm của ngành đường sắt ở những chặng cao điểm mà chỉ mua được loại vé ngồi. Tuy nhiên, trên hệ thống bán vé vẫn còn nhiều khoang tàu báo chế độ “đang giao dịch” với thời gian chờ đến 19-21 ngày. Giải thích hiện tượng này, đại diện đội vé của Ga Hà Nội cho hay: Đây là các vé bán theo hợp đồng cho tập thể, các đơn vị đã đặt cọc tiền. Nếu phá hợp đồng, bên đặt bị mất tiền đặt cọc, vé được bán ra ngay cho khách.
 
Tại ga Hà Nội chiều 14/4, chúng tôi vẫn nhận được lời mời mua vé của cò vé với tuyên bố “lo được vé giường nằm đúng tên và số chứng minh thư”. Lý giải điều này, một nhân viên đội vé ga Hà Nội cho biết, các cò vé tàu hỏa có thể móc nối với các nhân viên trên tàu để “đi chỗ ngồi không số” hoặc đứng ra canh vé theo cách: Giữ vé trong 2 ngày theo quy định; trong thời gian chờ, nếu có khách mua, cò vé lập tức hủy lệnh đặt vé và chuyển ngay sang cho khách có nhu cầu trước khi nhân viên nhà tàu kịp can thiệp. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó TGĐ Tổng Cty Đường sắt cho biết sẽ làm việc với FPT (đơn vị xây dựng phần mềm bán vé) để khắc phục kẽ hở này.
 
Đề phòng nhà xe “trở mặt” thu thêm
 
Theo thông tin từ các bến xe ở TP HCM, các doanh nghiệp (DN) vận tải ở đây dự kiến tăng 40% giá vé chiều đông khách để bù cho chiều rỗng. Trong khi đó, ở Hà Nội, cho đến chiều 14/4, các bến xe cho biết vẫn chưa có DN nào đăng ký tăng giá hay phụ thu chiều rỗng (không có khách). 
 
Ngoại trừ các DN uy tín như Cty Văn Minh (chạy tuyến Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh) và Cty Phương Trang (hoạt động ở miền Nam và một số tuyến miền Bắc) thông báo không tăng giá cước, hành khách vẫn đứng trước nguy cơ bị thu thêm tiền ngoài giá vé.
 
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết: Dịp 30/4, 1/5 và các dịp lễ Tết khác, DN vận tải miền Bắc không có thói quen tăng giá. Tuy nhiên, có tình trạng, sau khi xuất bến, một số nhà xe “trở mặt” thu hoặc “xin” thêm tiền của khách.
 
 Trường hợp này xảy ra nhiều nhất với khách bắt xe dọc đường. “Tết vừa rồi, chúng tôi xử lý 4 xe thu thêm tiền của khách ngoài giá vé” – ông Thành nói. Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Anh Toàn lại lo các doanh nghiệp bỏ bến dịp lễ vì không được tăng giá để bù lỗ chiều rỗng như đã từng xảy ra trước đây.
 
Như mọi năm, vào dịp lễ, nhiều Sở Giao thông Vận tải ra văn bản yêu cầu DN không được tăng giá. Đây là thuận lợi cho hành khách vì đã cầm vé trên tay, nhà xe khó có thể thu thêm tiền. 
 
Tuy nhiên, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, những công văn dạng như vậy là vi phạm pháp luật vì các DN vận tải được phép quyết định giá. “Việc ngăn DN không tăng giá có thể làm yên lòng hành khách nhưng quan trọng hiệu quả đến đâu” - ông Thanh nói.
 
Hiện nay, khi các DN thu thêm tiền của khách rất khó xử lý. Theo ông Nguyễn Tất Thành, do mức thu thêm chỉ khoảng vài chục nghìn đồng/người nên ít người khiếu nại. 
 
Khi nhận khiếu nại, bến xe phải xác minh nhiều khâu và cũng chỉ xử lý bằng cách yêu cầu nhà xe trả tiền cho riêng người đến khiếu nại; buộc xe vi phạm dừng hoạt động trong 1 tuần. 
 
Ông Thân Văn Thanh cho rằng, trách nhiệm xử lý trường hợp này thuộc về các Sở Tài chính và thanh tra giao thông vận tải; nhưng thường rất khó “xử” nhà xe vì không có bằng chứng. 
 
 

Lo ùn tắc tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ


Hiện nay, tình trạng ùn tắc trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ (cửa ngõ quan trọng nhất, nằm ở phía Nam của Hà Nội) thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào ngày cuối tuần. Các lãnh đạo bến xe ở Hà Nội cho rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ùn tắc ở tuyến đường này thì nỗ lực điều tiết, bổ sung, tăng cường xe dịp lễ là vô nghĩa. Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) Phạm Thanh Bình cho hay, dịp lễ 30/4 và 1/5 sẽ dừng thi công một số ngày đầu và cuối kỳ nghỉ lễ.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo