Tài chính - ngân hàng

Cảnh báo mất cân đối cán cân thương mại

Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt được một số kết quả tích cực. Quy mô xuất khẩu cao lên qua các tháng, tính chung 4 tháng tăng 8,2% so với cùng kỳ, trong đó hàng công nghiệp tăng cao hơn là 11,9%.

 

Xuất/nhập khẩu, Xuất/nhập khẩu siêu 4 tháng (Tỷ USD. Nguồn: Tổng cục thống kê)

 

* Nhập siêu năm 2015 của Việt Nam sẽ lên tới 32 tỷ USD
 
Tuy nhiên, ở đầu ngược lại, giảm nhập siêu đang trở thành vấn đề có tầm quan trọng hiện nay, thể hiện rõ nhất tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4. Vấn đề nhập siêu này được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau.
 
Ở góc độ thứ nhất, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ vị thế xuất siêu trong cùng kỳ năm trước (2 tỷ USD) sang vị thế nhập siêu khá lớn (3 tỷ USD) trong 4 tháng đầu năm nay. Mặc dù cùng kỳ năm trước, xuất siêu có nguyên nhân quan trọng là do nhu cầu đầu tư sản xuất, tiêu dùng ở trong nước còn yếu, còn năm nay nhập siêu có nguyên nhân do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước cao lên, nhưng nhập siêu là biểu hiện của mất cân đối trong cán cân thương mại, sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán tổng thể, đến tỷ giá, đến dự trữ ngoại hối...
 
Ở góc độ thứ hai, nhập siêu không chỉ do tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu cao hơn (19,9%), mà còn do tốc độ tăng của xuất khẩu chậm lại (8,2%). Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm - thủy sản còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 6%); tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm - thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu kỳ này cũng đã giảm so với cùng kỳ năm trước (18,2% so với 21%). Xuất khẩu của khu vực trong nước bị giảm (1%), nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã bị giảm (từ 32,7% xuống còn 29,9%). Xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 5,8%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,2%, xuất khẩu một số mặt hàng bị giảm sâu như: than đá, xăng dầu, dầu thô, cà phê, thủy sản, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, gạo...
 
Ở góc độ thứ ba, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu, thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn. Mức nhập siêu lớn thể hiện ở 2 mặt. Một mặt, về quy mô tuyệt đối mức nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước kỳ này lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (5,72 tỷ USD so với 3,77 tỷ USD). Mặt khác, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước kỳ này cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (37,9% so với 24,9%); ngay cả mức xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (2,72 tỷ USD so với 5,82 tỷ USD).
 
Ở góc độ thứ tư, bên cạnh việc xuất siêu tăng lên so với cùng kỳ của một số thị trường (như Mỹ 7,4 tỷ USD so với 6,5 tỷ USD; EU 6,4 tỷ USD so với 5,9 tỷ USD...), thì nhập siêu ở một số thị trường lớn và tăng lên (nhập siêu từ Trung Quốc 10,7 tỷ USD so với 7,42 tỷ USD; từ Hàn Quốc 6,5 tỷ USD so với 5,1 tỷ USD; từ ASEAN 1,8 tỷ USD so với 1,4 tỷ USD...). Đáng lưu ý, trong quan hệ buôn bán giữa Việt Nam với Nhật Bản, Việt Nam đã ở vị thế xuất siêu trong nhiều năm trước (2011 là 691 triệu USD, năm 2012 là 1.462 triệu USD, năm 2013 là 2.016 triệu USD, năm 2014 là 1.795 triệu USD, trong đó 4 tháng đầu năm là 1.190 triệu USD), thì 4 tháng năm nay đã chuyển sang nhập siêu 500 triệu USD.
 
Ở góc độ thứ năm, với “tiến độ” nhập siêu như 4 tháng đầu năm, có thể dự báo nhập siêu trong cả năm nay sẽ vượt mức kế hoạch đề ra cả về quy mô tuyệt đối (10 tỷ USD so với 8,25 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (trên 6% so với 5%). Riêng với thị trường Trung Quốc, cảnh báo Việt Nam nhập siêu cả năm sẽ vượt qua mốc 32 tỷ USD - lớn nhất trong các thị trường, lớn nhất từ trước đến nay - đó là chưa kể nhập siêu từ tiểu ngạch, từ buôn lậu biên giới (có thông tin mức nhập siêu cao gấp đôi).
Theo KTĐT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo