Cảnh báo! Nguồn nước mặt đang bị suy kiệt và ô nhiễm
Theo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn nước mặt trên toàn quốc không những đang suy kiệt mà còn ô nhiễm trên diện rộng, trong khi tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam đạt tới 840 tỷ m3, nhưng có hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài.
Cụ thể, sông Cửu Long phụ thuộc đến 95% tổng lượng nước từ nguồn nước quốc tế, còn sông Hồng, sông Thái Bình phụ thuộc đến 40%. Vì vậy, tình trạng suy kiệt trong hệ thống sông, hồ chứa nước của nước ta diễn biến rất phức tạp.
Đặc biệt, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên lượng nước khai thác chiếm trên 50% lưu lượng của dòng chảy trên địa bàn. Riêng tỉnh Ninh Thuận lên đến 70-80%, trong khi giới hạn nơi đây được phép khai thác chỉ là 30%.
Do đó trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, mà Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với thực trạng tài nguyên nước được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền; giữa các mùa trong năm, nên nguy cơ thiếu nước vào mùa khô, lũ lụt vào mùa mưa đang ngày càng hiện hữu trong nhiều vùng, miền của nước ta. Trong khi chất lượng nước mặt lục địa đang suy giảm, có nơi bị ô nhiễm nặng.
Các hồ, ao, kênh, mương trong các thành phố đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức quy chuẩn cho phép. Nhiều nơi đã biến thành nơi chứa chất thải. Các đoạn sông chảy qua khu đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp, khai khoáng đã bị ô nhiễm, nhiều chất ô nhiễm trong nước có độ vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 3 lần.
Ngay cả nước biển ven bờ cũng có dấu hiệu bắt đầu bị ô nhiễm. Chẳng hạn như dải ven biển miền Nam kể từ Nha Trang trở vào đã có dấu hiệu ô nhiễm COD. Các vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An, hàm lượng amoni (N-NH4) đã vượt hoặc xấp xỉ quy chuẩn cho phép. Một số vùng biển ven bờ đã có dấu hiệu bị ô nhiễm dầu và xyanua. Đối với nước biển ở ngoài khơi, hàm lượng oxy hòa tan và hàm lượng dầu mặc dù thấp hơn ở ven bờ, song cũng đều vượt tiêu chuẩn ASEAN cho vùng nước bảo tồn thủy sinh.
Chưa kể phần lớn nước dưới đất của nước ta đều có chất lượng tốt, nhưng cũng bị cạn kiệt do khai thác thiếu bền vững và bị ô nhiễm cục bộ ở một số nơi, như ô nhiễm vi sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh; ô nhiễm phốtphát tại Hà Nội; ô nhiễm asen, amoni ở Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long./.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo