Cảnh báo nguy cơ xung đột tại biển Đông
Theo báo cáo của ICG, các tranh chấp tại biển Đông đã lâm vào thế bế tắc.
“Mọi xu hướng đang đi sai đường, và triển vọng về một giải pháp đang mờ dần”, ICG nhận xét trong báo cáo có tựa Dậy sóng biển Đông: Phản ứng khu vực.
Kết luận bi quan nói trên được đưa ra cùng ngày với việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp về quân sự và chính trị để hợp lý hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Vào hôm 23/7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thông báo kế hoạch mua sắm máy bay, bao gồm trực thăng chiến đấu có thể sử dụng trong các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Trung Quốc và Philippines đang có tranh chấp tại bãi cạn Scarborough và những vùng biển xung quanh.
Trong Thông điệp toàn quốc đọc trước phiên họp lưỡng viện Quốc hội, ông Aquino đã thể hiện lập trường cứng rắn trước một mối đe dọa không nói rõ. “Nếu một ai đó vào mảnh sân của bạn và nói rằng hắn sở hữu nó, bạn có chấp nhận không?”, ông này nói.
Theo tờ New York Times, văn phòng tại Bắc Kinh của ICG đã dành ra hai năm để nghiên cứu về biển Đông, phỏng vấn những nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc và các quốc gia liên quan đến tranh chấp biển Đông.
Vào tháng 4, ICG đã công bố một báo cáo tập trung vào vai trò của các cơ quan dân sự và quân sự trong những hành động của Trung Quốc tại biển Đông, trải rộng từ quân đội Trung Quốc đến các cơ quan ngư nghiệp.
Báo cáo mới nhất của ICG đã đề cập đến thất bại gần đây của ASEAN trong việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
“Không có sự đồng thuận về cơ chế giải quyết, căng thẳng tại biển Đông có thể dễ dàng lan ra thành xung đột vũ trang”, ông Giám đốc chương trình châu Á của ICG Paul Quinn-Judge cảnh báo.
Trên mặt trận ngoại giao, Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN mới đây đã kết thúc với nhiều rạn nứt khi nhóm này lần đầu tiên trong lịch sử không thể đưa ra một tuyên bố chung vì các tranh chấp tại biển Đông.
Nước chủ nhà Campuchia được nhiều người xem là ủng hộ Trung Quốc, theo AFP. Điều này đã ngăn cản những nỗ lực của Philippines nhằm đạt được một lập trường cứng rắn hơn của ASEAN trước Trung Quốc.
ICG nhận xét trong báo cáo rằng Trung Quốc đã chủ động tận dụng sự chia rẽ của ASEAN bằng cách đưa ra những ưu đãi với các thành viên ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong tranh chấp.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 24/7 đưa tin quân đội nước này đang đợi lệnh để tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Trung Quốc tuyên bố cuộc tập trận này nhằm “thể hiện thực lực hải quân cho các nước láng giềng chứng kiến”. Theo CCTV, hạm đội Đông Hải của Trung Quốc đã gấp rút hướng xuống biển Đông để chuẩn bị cho cuộc tập trận. Trong khi đó, tình báo Mỹ tiết lộ hệ thống vệ tinh nước này đã phát hiện 20 tàu chiến lớn của hải quân Trung Quốc tập trung tại một số đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại biển Đông. Theo nguồn tin, số tàu này bao gồm tàu ngầm lớp Kilo của hạm đội Đông Hải và bảy tàu của hạm đội Bắc Hải. Vào hôm 8 và 9/7, Bộ Quốc phòng Nhật cũng báo động về việc 11 tàu quân sự Trung Quốc thuộc hạm đội Đông Hải đi qua khu vực biển Nhật Bản để đến Thái Bình Dương. |
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo