Cảnh báo tai nạn về giàn giáo trong công trường Việt Nam
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tình trạng mất an toàn của hệ thống giàn giáo sử dụng trong thi công có chiều hướng gia tăng, đã dẫn đến các sự cố nghiêm trọng tại nhiều công trình xây dựng.
Vụ sập mái bê tông tại công trình xây dựng nhà thờ Ngọc Lâm (xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hôm 17/01/2013; tiếp đó là vụ sập 600m2 sàn bê tông tầng 3 công trình xây dựng siêu thị của Lotte Mart (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) ngày 04/08/2013.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 30/08/2013, lại xảy ra vụ sập đổ mái bê tông tum cầu thang tầng 5 công trình trụ sở Chi cục Thuế huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang)… và gần đây, sáng 28/12/2014, trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7 Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thì hệ thống sàn, đà giáo bị sụt xuống đường, đè bẹp 1 chiếc taxi…
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân các vụ tai nạn này là do công tác thiết kế, lắp đặt và khai thác sử dụng giàn giáo không đảm bảo an toàn, như: giàn giáo không được tính toán, thiết kế theo qui định; vật liệu chế tạo giàn giáo không đúng qui cách, việc lắp đặt giàn giáo chủ yếu theo kinh nghiệm, không kiểm tra chặt chẽ, việc chất tải trên giàn giáo không đúng theo qui trình hoặc vượt tải trọng cho phép trong quá trình thi công...
Quyền cơ bản của người lao động được quy định trong Bộ luật Lao động là được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn. Chính phủ, các Bộ, ngành hữu trách cũng đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để luật vào cuộc sống.
Bộ Xây dựng có hẳn một thông tư quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình mà các quy định trong đó được cho là rất chặt chẽ, từ khâu an toàn chung (như thiết kế mặt bằng công trường xây dựng, quy định vật tư, vật liệu phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp đúng theo thiết kế tổng mặt bằng được phê duyệt, quy định bắt buộc về biển báo trong công trình, quy định về an toàn về điện, an toàn về cháy, nổ) cho đến đảm bảo an toàn khi thi công xây dựng.
Trong các văn bản pháp luật hiện hành, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn cũng được quy định rất rõ. Thế nhưng, hàng loạt vụ sập giàn giáo xảy ra gần đây lại cho thấy tính mạng của người lao động làm việc trong các công trường vẫn bị đe dọa và các quy định pháp luật về an toàn lao động vẫn chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh.
Được biết, từ cuối năm 2013, Bộ Xây dựng đã đưa ra một số biện pháp cấp bách nhằm ngăn ngừa khả năng xảy ra sự cố công trình trong quá trình thi công. Theo đó, Bộ này yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình phải tổ chức kiểm tra công tác lắp đặt giàn giáo của nhà thầu theo thiết kế đã được phê duyệt. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc lắp dựng giàn giáo trong quá trình thi công xây dựng; kiên quyết tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định làm mất an toàn của giàn giáo, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo qui định... Công cụ pháp lý thì sẵn có, nhưng vấn đề là người ta đã thực thi nó như thế nào?.
End of content
Không có tin nào tiếp theo