Pháp luật

Cảnh báo tranh chấp thương mại

Sáng qua (28/6), tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Những cảnh báo về các tranh chấp thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế .

Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp đó là khó tiếp cận vốn ngân hàng, tình trạng tồn kho, bên cạnh đó là thị trường bất động sản, chứng khoán đóng băng đang đẩy doanh nghiệp tới bờ vực của những tranh chấp thương mại.

 

Ông Cung cũng cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp FDI bị phá sản, đóng cửa. Khi chủ sở hữu và người quản lý bỏ về nước thì sẽ phát sinh tranh chấp giữa người lao động với chủ nợ và các bên liên quan.

 

Ông Cung cũng cảnh báo, đối với thị trường xuất khẩu, việc buôn bán với người Trung Quốc là quan trọng, nhưng thiếu minh bạch và ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo ông, nhiều bài học cứ lặp đi, lặp lại nhưng doanh nghiệp vẫn mãi “chưa thuộc bài”, nên các tranh chấp thương mại vẫn cứ diễn ra. 

 

Một thực trạng được CIEM công bố về tranh chấp thương mại cho thấy, hiện còn khoảng 100 tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết nhưng chưa giải ngân từ năm 2007 đến nay. Kéo theo những dự án FDI bị hủy bỏ, đình hoãn, rút giấy phép này là những tranh chấp liên quan đến xử lý đất đã giao cho các dự án phát sinh chủ yếu giữa chính quyền địa phương và nhà đầu tư, giữa chính quyền, nhà đầu tư và nông dân.

 

Khủng hoảng kinh tế cũng đã ảnh hưởng nhiều tới doanh thu của các doanh nghiệp. Ông Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty tư vấn luật Vfam cho biết, Vfam thường tư vấn thuế cho khoảng 50 doanh nghiệp, tuy nhiên với những khó khăn của nền kinh tế, từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay, đã có 6 doanh nghiệp không có doanh thu, trong đó có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

 

Tình trạng không có doanh thu cũng phổ biến ở những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nhập. “Hiện đang có xu hướng các tranh chấp phát sinh từ mối quan hệ giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp” – Ông Tiền nói.

 

Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, phần lớn tranh chấp thương mại hiện nay thường phát sinh trong các quan hệ kinh doanh, đối tác làm ăn. Hoặc theo luật sư Châu Huy Quang, luật sư thành viên của LCT Lawyers, các tranh chấp cũng có thể phát sinh từ việc đối tác thoái thác thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

 

Đó là việc đối tác đơn phương tuyên bố phá sản, tuyên bố hợp đồng vô hiệu, chấm dứt hoặc hủy hợp đồng hoặc đơn giản hơn là yêu cầu điều chỉnh hợp đồng do lý do khách quan. Các hình thức thoái thác này hiện phổ biến trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tài chính, tín dụng, mua bán hàng hóa, dịch vụ thương mại và hợp tác đầu tư.

 

Để ngăn ngừa nguy cơ này, theo luật sư Châu Huy Quang, trước khi ký hợp đồng, ngoài việc điều tra cẩn trọng về tài chính, pháp lý… của đối tác, doanh nghiệp còn cần đánh giá để loại bỏ những căn cứ mà đối tác có thể vin vào để thoái thác nghĩa vụ hợp đồng. Ví dụ như thẩm quyền của người ký, doanh nghiệp có chức năng phù hợp, giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật…

 

Vậy nếu có tranh chấp phát sinh thì nên giải quyết ở đâu? Để trả lời câu hỏi này, diễn giả Vũ Ánh Dương đã cung cấp cho các doanh nghiệp một địa chỉ giải quyết tranh chấp thân thiện-minh bạch và hiệu quả là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

 

 

Theo DĐDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo