Môi trường

Cảnh báo về tác động của môi trường ở sông Mekong

Nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu tác động to lớn từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn.

Những nguy cơ tiềm ẩn


(TTXVN) Ở vị trí quốc gia cuối nguồn, phần lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực sông Mekong chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và khoảng 11% tổng lượng nước. Phần lãnh thổ này bao gồm thượng nguồn sông Nậm Rốn, tỉnh Điện Biên, thượng nguồn sông Sê Kông và Sê Ba Hiêng, lưu vực sông Sê San và Srepok và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam có khoảng 20 triệu người dân sống trong lưu vực sông Mekong (17 triệu người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và 3 triệu người dân ở Tây Nguyên), phần lớn dân số phụ thuộc vào nguồn sinh kế nông nghiệp và thủy sản. Do sự liên quan mật thiết giữa các điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội của các tiểu vùng và tổng thể lưu vực sông Mekong, những động thái phát triển thượng nguồn và thay đổi dòng chảy sẽ dẫn đến nhiều tác động về môi trường và xã hội ở phía hạ nguồn.

Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thủy điện dòng chính Mekong, do Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM) thực hiện cho Ủy hội sông Mekong đã nhận định: Việt Nam có khả năng tổn thất lớn nhất về kinh tế do tác động tiềm tàng nếu hệ thống đập dòng chính được xây dựng.

Một số tác động có thể dự đoán đó là làm giảm dòng chảy mùa khô, kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm gia tăng ngập mặn, ảnh hưởng đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long; suy giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 7 triệu tấn/năm; thủy sản biển, nước ngọt và nuôi trồng đều bị ảnh hưởng với ước tính tổn thất ít nhất từ 500 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm.

Giải pháp ứng phó

Trên cơ sở nhận định tình hình khu vực và bối cảnh hiện tại, bà Trần Thị Thanh Thủy, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm bảo vệ môi trường) cho rằng các giải pháp ứng phó của Việt Nam có thể thực hiện gồm việc duy trì và tăng cường hợp tác Mekong thông qua Ủy hội sông Mekong quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại, khuôn khổ hợp tác tốt nhất để trao đổi, đàm phán và tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề phát triển lưu vực là thông qua Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
 
Việt Nam cần tạo sự đồng thuận trong việc định hướng mô hình phát triển của lưu vực Mekong trong cộng đồng ASEAN. Theo đó cần hướng đến mô hình phát triển giảm thiểu phát thải, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, sử dụng khôn khéo tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nghiên cứu, phổ biến thông tin, thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp quốc gia và khu vực, nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội trong bảo vệ lợi ích chung của người dân trong lưu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đặc biệt là cần tăng cường hợp tác với cộng đồng các nhà tài trợ và đối tác phát triển như Lào, Campuchia nhằm hỗ trợ nước bạn tìm kiếm các giải pháp phát triển tối ưu, bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực. Với kinh nghiệm về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, Việt Nam có thể giúp các nước bạn sử dụng nguồn lực quốc tế một cách hiệu quả, áp dụng các mô hình tốt và tránh những hậu quả tiêu cực có thể vấp phải trong quá trình phát triển.

Việc sử dụng một cách hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ phát triển cũng là một giải pháp quan trọng. Với vị trí nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu và áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quá trình triển khai các hoạt động dự án của mình ở các nước bạn, nhằm giảm thiểu các hệ quả môi trường-xã hội. Chính phủ cũng nên có các công cụ quản lý hữu hiệu, đảm bảo giám sát các dòng đầu tư, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực tốt trong đầu tư nước ngoài.
 
 
Thanh Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo