Môi trường

Cảnh giác kịch bản lụt lịch sử 2008

Các chuyên gia khí tượng thủy văn lưu ý cần cảnh giác nguy cơ lặp lại kịch bản các trận mưa lụt lịch sử do bão từng xảy ra năm 2008 khi cơn bão số 4 đang có diễn biến gần tương tự.

Các nơi mưa lụt to do ảnh hưởng của hoàn lưu và tàn dư bão số 4, có thể có vùng đồng bằng Bắc Bộ, thủ đô Hà Nội, và các tỉnh miền núi phía bắc.

 

Theo ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng tỉnh Lào Cai, việc dự đoán có hay không khả năng xảy ra một kịch bản mưa lụt như năm 2008 làm hàng trăm người chết và mất tích là rất khó.

 

“Dự báo mưa do bão gây ra không dễ chút nào vì các thông số biến động rất lớn”, ông Lưu Minh Hải nói.

 

Khi xảy ra bão số 4 năm 2008, gây mưa lũ dị thường kéo dài hai ngày bên dãy Hoàng Liên Sơn, khiến 168 người chết và mất tích, gần trăm người bị thương, thiệt hại tài sản hơn hai nghìn tỷ đồng.

 

Không loại trừ một kịch bản có thể lặp lại giống như năm 2008, nhưng mức khốc liệt của mưa lũ có lẽ sẽ thấp hơn, ông Lưu Minh Hải hy vọng.

 

Theo Th.S Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn&Phát triển (CODE), vẫn nên cảnh giác về tính khó dự đoán hơn của thời tiết bất thường gần đây: “Ngày càng xuất hiện những trận mưa cường độ lớn trong thời gian ngắn, nhất là mưa cục bộ”.

 

TS Nguyễn Lan Châu, hiện là chuyên gia khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho rằng, bà không nghĩ kịch bản mưa tồi tệ như năm 2008 sẽ lặp lại. Tuy nhiên, khả năng mưa to ở Hà Nội với lượng mưa 50mm là có thể xảy ra.

 

“Trận mưa to tối chủ nhật 22/7 ở Hà Nội, lượng mưa đo được cũng chỉ 50 mm”, TS Châu nói. Còn mưa to đến rất to ở các tỉnh miền núi phía bắc, từ 150-250 mm, là kịch bản cần tính đến.

 

Ông Lưu Minh Hải nhận định, bão số 4 với tên quốc tế là Vicente đang thẳng tiến vào miền Bắc, với hướng di chuyển giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được từ 10 đến 15km.

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm 24/7 trở đi, Bắc bộ và Thanh Hóa sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

 

Dự kiến khoảng gần sáng 25/7, bão sẽ đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sau khi đi vào đất liền, tốc độ gió giảm dần và di chuyển chậm lại do ảnh hưởng của ma sát mặt đệm.

 

Vùng đồng bằng, trong đó có Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của rìa phía nam khá xa tâm bão nên mưa không dữ dội so với các địa phương miền núi. Nhưng cũng không loại trừ nguy cơ Hà Nội bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu và tàn dư bão.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo