Pháp luật

Cảnh giác với chiêu lừa tín dụng đen

Vỡ hụi là cụm từ quen thuộc với tất cả chúng ta, nó là một hình thức của việc huy động tín dụng đen. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhiều người vẫn mù quáng, không nhận thức được những tác hại của nó.

Trắng tay vì cả tin

Chẳng hạn như tại Quảng Ninh, cuối năm 2011, một đối tượng tên là TD đã lợi dụng mối quen biết của mình với các hộ kinh doanh tại chợ để tổ chức góp tiền chơi hụi.

 

Theo đó, nhiều người đã tin cẩn và tham gia. Mỗi ngày họ đóng ít thì 100.000 đồng, nhiều có khi 300.000 đồng. Ban đầu TD tỏ ra rất uy tín trong việc tổ chức, dần dần chậm chi trả bằng nhiều lý do khác nhau. Sau đó TD đột ngột biến mất với số tiền ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng. Kết quả là các nạn nhân lâm vào cảnh trắng tay.

 

Đến nay, người ta vẫn không thể quên câu chuyện thương tâm khiến cuộc đời chị HK trở nên bi thương. Chồng chị đã bỏ đi khi đứa con còn nhỏ, hai mẹ con sống nhờ hàng tạp hóa, đồ khô ở một khu chợ nhỏ. Tài sản chẳng dư giả là bao nhưng chị cũng gom góp chừng hơn 100 triệu đồng.

 

Sau đó có một người bạn cũ thường xuyên đến chỗ chị để trò chuyện và nối lại mối quan hệ lâu nay. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi người bạn này gợi ý với chị HK về mối làm ăn lớn. Theo đó, hai người cùng chung nhau bỏ vốn mua một miếng đất ở quận 12 để làm ăn kinh doanh.

 

Để tạo sự tin tưởng, chị HK còn được giới thiệu với người chủ đất để trao đổi thêm về việc mua bán. Tin bạn, chị gom góp toàn bộ số tiền mình có được và chuyển cho người này để chồng tiền đặt cọc.

 

Tuy nhiên, sau vài tháng, chị HK chẳng thấy người bạn kia nói năng gì về chuyện làm ăn, cũng chẳng thấy xuất hiện thường xuyên như trước nữa. Lúc ấy chị mới nhận ra mình đã bị lừa. Đau khổ vì mất đi số tiền lớn, tinh thần chị trở nên bấn loạn, chẳng màng đến gia đình mà cứ ngày ngày lang thang ngoài đường, mong tìm thấy người bạn kia để đòi tiền về.

 

Sa bẫy vì lời hứa lãi suất cao

 

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp xảy ra liên quan đến tín dụng đen. Thậm chí, nhiều đối tượng xấu còn biến tướng những chiêu lừa qua nhiều kiểu khác nhau để tránh sự nghi ngờ. Trong đó, một hình thức lừa đảo còn ngoạn mục, tinh vi hơn nữa là giả danh nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ.

 

Những đối tượng này thường tự tạo chức danh, giấy tờ chứng minh, hợp đồng giả… để làm chứng cứ qua đó tạo thêm sự tin tưởng với khách hàng. Do đó, những người nhẹ dạ cả tin rất dễ bị sa bẫy bởi những lời hứa hẹn viển vông. Vũ khí được xem là hữu dụng thường được sử dụng nhằm đánh vào tâm lý của nhiều người chính là chiêu thức lãi suất cao.

 

Nhiều nạn nhân cho biết họ được thỏa thuận mức lãi suất đến 50% trong ba tháng hoặc 90%/năm, điều này tuyệt đối không thể xảy ra. Thậm chí một số người sau khi bị thuyết phục đã ngưng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa chừng để tham gia vào những đường dây đóng hụi vì họ cho rằng kênh đầu tư bảo hiểm không mang lại hiệu quả bởi lãi suất không cao.

 

Để giải thích rõ hơn về vấn đề này, điều đầu tiên bạn nên nhớ rằng chức năng chính của bảo hiểm là đảm bảo an toàn cho bạn, tránh những rủi ro có thể xảy ra. Nhiều người thường so sánh lãi suất giữa bảo hiểm và ngân hàng khi đầu tư vào một số tiền nào đó.

 

Chúng ta không nên lẫn lộn hai lĩnh vực này với nhau vì bảo hiểm có chức năng bảo vệ trước tiên, sau đó mới có thể có tính chất đầu tư hay tiết kiệm. Một vấn đề khác bạn cần nắm rõ là không bao giờ có một công ty bảo hiểm nào đưa ra mức bảo tức tích lũy mỗi năm với con số hàng chục phần trăm.

 

Thậm chí khi bạn được một nhân viên bảo hiểm nào đó đưa ra mức hấp dẫn như vậy thì phải luôn luôn tìm hiểu rõ. Hãy liên hệ, tìm hiểu, tra cứu, xác nhận thông tin qua một vài kênh nối kết khách hàng quen thuộc như đường dây nóng, website chính thức… của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

 

Bên cạnh đó, bạn nên dành ra một khoảng thời gian nào đó để được tư vấn trực tiếp tại đại lý chính thức của công ty. Đây chính là những thông tin chính xác để giúp bạn yên tâm ký kết hợp đồng và đóng tiền.

 

NGỌC CHÂU (PL TPHCM)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo