Cảnh giác với trò lừa "ông chú Viettel"
Nổi bật nhất có lẽ là trò lừa "bật mí bí mật" từ ông chú Viettel tràn lan trên các trang mạng xã hội, diễn đàn.
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập của nhà mạng “giá rẻ” Viettel, kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự kiện này để phát tán thông tin “nội bộ” rằng Viettel có cú pháp nạp thẻ bí mật cho ra số tiền được khuyến mãi gấp 10 lần.
Để đánh lừa nạn nhân, chúng còn đưa kèm hình ảnh chụp kết quả nạp tiền trên màn hình điện thoại. Tuy nhiên đây chỉ là chiêu trò lợi dụng dịch vụ nạp thẻ/tặng thẻ cho thuê bao khác của mạng Viettel.
Khi thấy có nhiều người sập bẫy, những kẻ lừa đảo đã “tổng lực” giăng bẫy khắp mọi nơi trên mạng, từ tin nhắn trên điện thoại cho đến các diễn đàn mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook. Nhờ đó, trò lừa này trở nên nổi tiếng đến nỗi cộng đồng dùng Facebook tại VN phải đặt tên cho nó là “Ông chú Viettel”.
Cũng trên Facebook, năm 2014 ghi nhận rất nhiều trường hợp người dùng đã bị sập bẫy trò lừa nhờ mua giúp thẻ cào.
Kẻ lừa đảo sau khi cướp được tài khoản một người dùng Facebook sẽ tìm cách chat với những người thân trong danh sách bạn bè và nhờ mua giúp thẻ cào gấp. Nhiều người dùng chủ quan tưởng người quen của mình nên đã bị sập bẫy. Tuổi Trẻ đã ghi nhận có trường hợp người dùng bị lừa đến hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các ứng dụng nhắn tin miễn phí (Viber, Tango, Zalo...) trên smartphone cũng khiến những trò lừa đảo trên di động thêm nhiều hơn, biến tướng với những thủ thuật tinh vi hơn. Đó là những tin nhắn thông báo trúng thưởng, cho kết quả xổ số trúng, thông báo nợ cước điện thoại… bên cạnh hình cũ là tin nhắn SMS hay cuộc gọi tự động.
Đặc biệt, những kẻ lừa đảo còn biết cách dẫn dụ người dùng từ tin nhắn, email thông báo trúng thưởng truy cập vào trang web giả mạo đã được chúng thiết lập trước đó.
Có thể kể đến rất nhiều trang web chương trình trúng thưởng mạo danh Công ty VNG, hay một số địa chỉ lừa đảo có vẻ giống trang dịch vụ thư điện tử Gmail của Goolge, hoặc các trang thẻ cào khuyến mãi khủng của các nhà mạng di động.
Giao diện các trang web này thường được thiết kế khá giống với trang web chính thức của nhà cung cấp dịch vụ hoặc có các biểu tượng, hình ảnh “chứng minh” việc người dùng trúng thưởng hoàn toàn là sự thật.
Nạn nhân sập bẫy chiêu lừa trên hầu hết là người dùng nhẹ dạ cả tin, hoa mắt trước phần thưởng trời cho nên vội vàng làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo. Kết quả, người dùng không những bị mất tiền (thường là mua thẻ cào) đến hàng chục triệu đồng mà còn bị cướp luôn tài khoản Gmail, Facebook, Yahoo…
End of content
Không có tin nào tiếp theo