Cảnh sát cũng kêu khó
Điều này cũng nảy sinh một số khó khăn, băn khoăn ngay đối với cảnh sát giao thông, chứ không phải chỉ riêng người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh: xe tạm giữ tăng hơn 20%
Chỉ tính từ ngày 11 tới 22-11, do điều chỉnh về mức chế tài đối với nhiều hành vi vi phạm theo nghị định 71, số phương tiện bị lực lượng cảnh sát giao thông toàn TP tạm giữ là hơn 3.500 xe, tăng hơn 20% so với trước đó. Trước đây, người điều khiển môtô, xe máy có nồng độ cồn từ 25mg tới dưới 40mg/lít khí thở chỉ bị phạt tiền, nay ngoài phạt tiền còn bị tạm giữ phương tiện.
Trước tình trạng tăng nhanh số xe bị tạm giữ, ban giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) và công an các quận huyện phải đẩy nhanh tiến độ thanh lý các xe vi phạm. Những lo lắng, băn khoăn về quy trình, thời gian xử lý hồ sơ để thanh lý xe vi phạm cũng vì thế tăng lên.
Phạt nhưng dân không thông
Một vài cán bộ Cảnh sát Giao thông nêu ra một số lo ngại về sự phản ứng của người dân trước mức phạt tăng cao theo nghị định 71. Có người phản ứng gay gắt khi bị phạt nặng và cho rằng đường sá không đáp ứng mật độ giao thông, khiến họ bị xử oan. Đó là chưa kể phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh sát Giao thông không đủ để chứng minh hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Nếu người dân vi phạm, bị dừng xe mà họ nói không vi phạm, Cảnh sát Giao thông cũng không có gì để chứng minh. Trong trường hợp này phải có hai người làm chứng, mà người làm chứng thì không phải lúc nào cũng có. “Đường phải đủ rộng để phương tiện lưu thông, làn đường, tín hiệu, biển báo phải rõ ràng để người dân chấp hành. Nếu có đủ điều kiện, họ cố ý vi phạm thì xử lý sẽ rất dễ, họ sẽ tâm phục khẩu phục. Trong khi điều kiện đường sá như hiện nay là tồi tệ, cứ “đè” dân ra phạt thật nặng, họ rất dễ phản ứng. Phản ứng ở mức nhẹ thì lời qua tiếng lại, tranh cãi, một trong hai bên nóng nảy dễ dẫn tới xô xát, rồi số vụ chống người thi hành công vụ cũng vì thế tăng cao” - một Cảnh sát Giao thông nói.
Ngày 21-11, lãnh đạo một đội Cảnh sát Giao thông thuộc PC67 chỉ vào chồng hồ sơ dày khoảng 70cm trước mặt nói: “Đây là hồ sơ thanh lý xe mà tôi trước sau gì cũng phải ký dù biết nó thiếu, sai quy trình, nếu bị dân kiện thì ăn đủ”.
Theo vị lãnh đạo này, quy trình ra quyết định tịch thu xe vi phạm xử lý phải qua rất nhiều công đoạn, phải gửi thông báo, giấy mời, đi xác minh... có khi mất cả vài năm vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp xe bị tạm giữ quá hạn đều không tìm được chủ, hoặc tìm được nhưng chủ đã bán qua nhiều người khác. Còn xe vi phạm bị tạm giữ quá hạn thường là loại rẻ tiền, lại phơi nắng mưa cả năm, có khi chỉ còn là “cục sắt vụn”, tiền bán không đủ trả tiền thuê kho bãi và chi phí để thanh lý.
Trung tá Tăng Văn Nhứt, đội trưởng đội Cảnh sát Giao thông Công an Q.Bình Tân, cho rằng quy định hiện nay buộc Cảnh sát Giao thông phải đi xác minh tìm người vi phạm đối với các xe tạm giữ quá hạn là rất bất cập. Nên quy định rõ việc người vi phạm, chủ xe có nghĩa vụ thực hiện nộp phạt, nếu quá thời gian nhất định (có thể là 30, 90 ngày) mà không tới thực hiện nghĩa vụ, không trình bày được lý do chính đáng việc chậm trễ đó, cơ quan chức năng sẽ tịch thu sung công quỹ. Quy định về thời gian này ghi ngay trong biên bản vi phạm để người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình. Còn hiện nay quy trình quá rườm rà, không thực tế trong khi tài sản lãng phí vô cùng lớn.
Hà Nội, Hải Phòng: không xử phạt xe chưa chính chủ
Đại úy Vũ Xuân Hà Thái, đội 1 Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, cho biết trong những ngày đầu xử phạt theo nghị định 71, nhiều trường hợp người dân thắc mắc về việc mức phạt cao hơn bình thường, đặc biệt băn khoăn về vấn đề “xe chính chủ”. Cứ khi có người dân thắc mắc, Cảnh sát Giao thông lại phải giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở về những lỗi vi phạm. Riêng “xe chính chủ”, lực lượng Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ khẳng định không xử phạt nhưng vẫn kiểm tra đăng ký xe theo quy định, đồng thời có hướng dẫn người dân đến các điểm đăng ký xe để thực hiện việc sang tên đổi chủ.
Theo đánh giá của đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, lực lượng Cảnh sát Giao thông xử phạt theo nghị định 71 ít gặp phản ứng của người vi phạm. Số người đến đăng ký sang tên đổi chủ cũng tăng rất nhiều. Sau hơn một tuần thực hiện nghị định 71, có trên 1.000 trường hợp là ôtô, hơn 500 xe máy đến sang tên đổi chủ. Cơ quan công an đã xử phạt hơn 50 trường hợp vi phạm quy định chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tuy nhiên, câu chuyện “xe chính chủ” tại Hà Nội vẫn rắc rối hơn nhiều nơi khác, nhất là với người dân. Trong giai đoạn 2003-2005, người Hà Nội chỉ được đăng ký một xe máy, nên không ít trường hợp phải mua suất đăng ký hoặc nhờ người thân đứng tên. Nhu cầu này làm nảy sinh một dịch vụ, đó là các cửa hàng kinh doanh xe máy giúp khách hàng mua xe tìm người đứng tên hộ. Cùng với giấy đăng ký còn có bản hợp đồng mua bán, có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường xã nơi người đứng tên đăng ký cư trú, vậy là người mua xe cứ cầm bộ hồ sơ ấy mà sử dụng. Đến khi quy định về quyền sở hữu bị siết chặt thì chủ xe cũng không biết tìm chủ cũ ở đâu, thậm chí xe đã bán qua mấy đời lại càng khó khăn khi tìm đến tận gốc. Thậm chí có tìm được chủ cũ cũng không hết rắc rối, có trường hợp phải “lót tay” tiền triệu cho chủ cũ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số trạm kiểm soát giao thông trên địa bàn Thành phố Hải Phòng những ngày qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông chủ yếu chỉ xử phạt các lỗi vi phạm về đi sai phần, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, dừng, đỗ sai nơi quy định... Riêng lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện”, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở và hướng dẫn làm thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định.
Chiều 25-11, tại trạm kiểm soát giao thông An Hưng (An Hưng, An Dương, Hải Phòng), trong gần một giờ lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng khoảng 20 phương tiện giao thông. Trong đó có bảy chủ phương tiện chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, trạm cảnh sát giao thông An Hưng chỉ xử phạt lỗi vi phạm điều khiển phương tiện chứ không xử phạt lỗi chính chủ. “Chúng tôi chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn các chủ phương tiện làm thủ tục sang tên đổi chủ chứ chưa xử phạt” - ông Trần Thanh Hải, trạm trưởng trạm cảnh sát giao thông An Hưng, giải thích.
Theo ông Hải, thời gian đầu cả cán bộ và người dân còn lúng túng khi thực hiện nghị định 71. Trạm Cảnh sát Giao thông phải thống kê lại những điểm mới sửa đổi trong nghị định 71 thành một sổ cầm tay nhỏ để các đội dễ áp dụng khi xử lý phương tiện vi phạm. “Nhiều người dân thắc mắc vì mức phạt mới áp dụng cao quá. Anh em phải giải thích để người dân hiểu và chấp hành” - ông Hải nói. Theo ông Hải, sau hơn mười ngày thực hiện nghị định 71, các lỗi vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông giảm đáng kể.
Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo