Cảnh sát giao thông có quyền chặn xe để phạt ô tô không sang tên?
“Kể từ ngày 1-1-2015, chủ ô tô các loại khi mua, được tặng cho, được thừa kế… mà không sang tên sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức. Riêng với xe máy sẽ bắt đầu xử phạt hành vi này kể từ năm 2017” - đó là quy định tại Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt.
Người sang tên, người… cản
Những ngày cuối năm 2014, có khá đông người dân đến Đội Đăng ký xe của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM để làm thủ tục sang tên các loại ô tô mà họ đã mua.
Ông Nguyễn Văn H. (quận Thủ Đức) cho biết đã mua một ô tô cũ cách nay hơn ba năm, việc mua bán chỉ bằng giấy ủy quyền. Dù biết quy định tạo điều kiện cho người dân mua xe qua nhiều đời đăng ký về cho chính chủ (từ tháng 4-2013) nhưng vì bận bịu công việc nên đến giờ ông mới làm thủ tục. “Tôi thấy thủ tục đăng ký cũng không quá phức tạp, việc giải quyết cũng nhanh gọn song có những lúc số người đến sang tên khá đông nên phải lấy số thứ tự, xếp hàng và chờ hơn một giờ mới xong việc” - ông H. nói.
Khảo sát nhanh, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều người đến làm thủ tục đã mua xe từ lâu, thiếu giấy tờ và việc mua bán bằng giấy tay, qua nhiều đời chủ khác nhau. Đáng chú ý là trường hợp ông Huỳnh Mạnh T. (quận Bình Thạnh) đến đề nghị không sang tên cho người đã mua ô tô của ông. Số là cách đây khoảng hai năm ông có bán chiếc ô tô cũ với giá khoảng 400 triệu đồng. Tuy nhiên, mãi đến nay người mua vẫn còn thiếu 10 triệu đồng và không trả. Do vậy, ông đến đề nghị đội đăng ký xe không giải quyết hồ sơ sang tên với chiếc xe này. “Không phải tôi cố tình làm khó nhưng nếu không đến trình báo, đề nghị không giải quyết đăng ký thì coi như tôi mất toi 10 triệu đồng” - ông T. nói.
Trung tá Trần Văn Thủy, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc PC67, cho biết từ giữa tháng 4-2013 đến nay, đội đã giải quyết cho gần 1.050 trường hợp sang tên, đổi chủ và giải quyết cho hơn 2.900 hồ sơ di chuyển đến các địa phương khác.
Xe “không chính chủ” còn nhiều
Trước đây, có giai đoạn TP.HCM áp lệ phí trước bạ cao nên nhiều người mua ô tô cũ không muốn sang tên mà chỉ làm giấy ủy quyền. “Trong một thời gian dài, CSGT tạo điều kiện để người dân mua bán xe qua nhiều đời được sang tên về chính chủ. Tuy nhiên, theo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an, ngày 31-12-2014 là thời hạn kết thúc giải quyết đối với xe ô tô, máy kéo, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người” - Thượng tá Trần Văn Thương, Phó Trưởng phòng PC67, nói. Và như đã nói ở trên, kể từ ngày 1-1-2015 những chủ xe ô tô không sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt.
“Vậy trường hợp chồng đi xe của vợ hoặc ngược lại thì có cần mang theo… giấy chứng nhận kết hôn để khỏi bị phạt? Tương tự, khi thuê ô tô tự lái thì phải mang theo hợp đồng để xuất trình à?” - ông Trần Hữu Nam (quận 12) thắc mắc. Đây cũng là băn khoăn của nhiều người khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Thượng tá Thương trả lời CSGT sẽ không dừng xe đang chạy trên đường để kiểm tra, xử lý, hỏi lỗi không sang tên đổi chủ. Ngoài ra, khi xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, CSGT cũng không hỏi thêm xe có sang tên hay không để xử phạt. Việc xử phạt với hành vi này chỉ được thực hiện thông qua việc đăng ký xe, qua điều tra, xử lý tai nạn và điều tra những xe liên quan đến các vụ án, xe gian.
Với xe máy, Nghị định 171/2013 quy định sẽ xử phạt chủ xe không sang tên đổi chủ từ đầu năm 2017. Mức phạt 100.000-200.000 đồng với cá nhân và 200.000-400.000 đồng với cơ quan, tổ chức. Thời hạn giải quyết việc đăng ký sang tên được kéo dài đến hết năm 2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo