Cao Bằng: Một dự án thực làm dân sướng bụng
Thay vì đưa cho người dân con cá, Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tại tỉnh Cao Bằng trao cho họ chiếc cần câu. Cách làm này bước đầu đã giúp người dân nghèo chủ động hơn trong việc thoát nghèo.
Thoát nghèo từ nuôi bò H’Mông
Nằm ở đầu xóm Lóong Ngần, xã Hồng Sĩ, huyện Hà Quảng, ngôi nhà của anh Hoàng Văn Hảo, dân tộc Tày là nơi hội họp của những thành viên trong nhóm sở thích những người nuôi bò H’Mông do Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng hỗ trợ. Niềm vui tràn ngập trong gia đình anh mấy ngày hôm nay vì anh mới tậu được xe máy mới.
Anh Hảo cho biết: “Hôm trước tôi đã bán 4 con bò, thu về được 150 triệu đồng. Tôi mua ngay cái xe máy mới hết 26 triệu, số tiền còn lại mua 3 con bò để nuôi tiếp”.
Theo lời anh Hảo, trước đây, dành dụm mãi vợi chồng mới mua được một con bò nhỏ với giá 400.000 đồng để cày. Dù chăm chỉ làm lụng nhưng một năm gia đình anh chỉ đủ ăn 8 tháng, 4 tháng còn lại là ăn ngô độn. Giờ đây, sau gần hai năm nuôi bò, gia đình anh Hảo đã thoát nghèo. “Tháng 12 này, gia đình được thoát khỏi danh sách hộ nghèo rồi đấy, mình vui lắm”, anh chia sẻ.
Không chỉ có gia đình anh Hoàng Văn Hảo mà gia đình anh Lương Văn Sình, ở xóm Lóong Ngần, trưởng nhóm sở thích nuôi bò H’Mông cũng có kinh tế khá hơn từ khi nuôi bò. “Ngày xưa không biết cách chăm bò, chỉ nuôi một con để làm rẫy. Bây giờ biết cách nuôi có kĩ thuật nên gia đình nuôi 8 con một lúc. Chăm bò giờ đã không thả rông mà nuôi bằng cỏ ủ chua, bò nhanh lớn lắm”, anh Sinh cho biết.
Anh Sinh cho biết, những kiến thức về trồng cỏ, ủ chua và kĩ thuật chăm sóc bò đúng quy trình mà anh có được là nhờ tham gia lớp tập huấn cách nuôi bò thịt do Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng tổ chức.
Sau gần 8 tháng xuất hiện trong chuỗi siêu thị Big C (Hà Nội), 5 tấn sản phẩm thương hiệu Bò H’Mông Cao Bằng đã được bán.
Hiện một năm gia đình anh bán 3 lứa bò thịt. Anh Sinh tính, cứ nuôi hai con lãi được 10 triệu đồng/tháng. Tháng 10 vừa rồi, gia đình anh mua 62 triệu đồng/đôi bò, chăm sóc 1 tháng thì bán được 70 triệu.
“Của chồng, công vợ”, anh Sinh dí dỏm: “Cả nhà tôi cùng chăn nuôi bò. Hai đứa con cũng chăm chỉ làm ăn. Nhưng công sức làm thì do vợ làm nhiều hơn, chồng chỉ đi ra ngoài để giao dịch thôi. Nếu tính công chăm một con bò thì công vợ nhiều hơn đấy”.
Gia nhập thị trường
Trong ngôi nhà ở xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, cô gái út của anh Trương Văn Long đang ăn bữa trưa để kịp giờ đến trường, vợ anh cặm cụi tráng bánh cho phiên chợ sáng hôm sau. Ngôi nhà chưa phải là khang trang nhưng cũng đủ các vật dụng cần thiết như ti vi, bàn, ghế…
Anh Long tâm sự, trước đây gia đình anh cũng làm đủ thứ như trồng ngô, dong giềng và nuôi trâu, bò nhưng vẫn chỉ đủ ăn. Cách đây hơn một năm, khi Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng được triển khai ở Nguyên Bình, anh đã tham gia vào nhóm cùng sở thích của những người làm miến dong và kinh tế gia đình khá hơn từ đó.
Anh kể: “Trước đây, tôi có 0,5ha đất để trồng dong giềng, mỗi năm thu được 20 tấn củ, làm bột bán được 60 triệu đồng. Thế nhưng, từ khi được dự án hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị và hỗ trợ kĩ thuật trồng dong, thu nhập gia đình đã khá hơn rất nhiều”.
Điều mà anh Long bất ngờ nhất là khi áp dụng kĩ thuật trồng, chăm cây dong theo hướng dẫn của Dự án, năng suất dong đã tăng gấp đôi, được 40 tấn củ/0,5ha. Bên cạnh đó, anh không bán bột nữa mà thêm công đoạn cuối là làm miến dong. Sản xuất ổn định, trong năm nay gia đình anh đã mua thêm một chiếc máy lọc bột. Anh Long dự kiến, sang năm anh sẽ mua thêm 0,5 ha đất để mở rộng diện tích trồng dong.
Nhóm sở thích làm miến dong ở xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Theo ông Du Văn Síu, Chủ tịch UBND xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, mô hình trồng dong giềng theo nhóm đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Diện tích trồng ngày càng tăng, từ năm 49,6ha năm 1998 lên gần 80ha năm 2012.
Đặc biệt, trước đây khi chưa có dự án, khâu tiêu thụ sản phẩm khó vì sản phẩm ít và người tiêu dùng chưa biết đến nhiều. Nhưng theo ông Síu, giờ mọi chuyện đã khác vì “nhờ dự án giúp mang sản phẩm miến dong đến các hội chợ, mọi người biết đến miến dong Phia Đén nhiều hơn. Sản phẩm của bà con không còn quanh quẩn ở địa phương”.
Giúp người dân tự đứng trên đôi chân của mình
Ông Rudi Schuetz, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ kĩ thuật về phát triển kinh doanh với người nghèo vùng nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, từ khi dự án VN 029 tham gia cùng dự án của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã thay đổi đáng kể về mặt nâng cao năng lực nhận thức cho người dân địa phương. Dự án đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho người dân bằng phương pháp cầm tay chỉ việc.
Ông Rudi cho biết: “Chẳng hạn ban đầu người nông dân không hề biết về chuỗi giá trị hay làm thế nào để nâng cao năng suất thì chúng tôi trình chiếu cho họ thấy cách làm như thế nào và tiến hành đào tạo tập huấn. Sau đó là hỗ trợ kèm cặp và cuối cùng là kiểm tra hiệu quả, hiệu suất của hoạt động này”.
Hiệu quả của dự án chính là sự tự tin, chủ động của các hộ gia đình trong việc phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình một cách bền vững. Đặc biệt, xóa bỏ tâm lí trông chờ và ỉ lại của người dân vào các dự án, chương trình của nhà nước. Nói cách khác, dự án mang đến cho người dân chiếc cần câu, chứ không phải là con cá như cách làm bấy lâu nay.
Còn ông Phương Tiến Tân, Giám đốc Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng cho rằng, điều mà dự án đem lại cho người dân đó là những chuỗi giá trị của các sản phẩm. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, sở ngành có liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp. Bởi, người nông dân chỉ tiếp cận ở một đoạn của chuỗi giá trị như nuôi bò, trồng miến. Ngoài ra, đầu ra cho sản phẩm đóng vai trò quan trọng và người dân rất cần được hỗ trợ.
Ông Henneng Peder Ser, Giám đốc Chương trình Quốc gia Việt Nam, Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cho rằng: “Về thị trường như miến dong ở Cao Bằng, chúng tôi đang rà soát lại xem khâu yếu là khâu nào để hỗ trợ, giúp người dân có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Một trong những sáng kiến mà IFAD đang thử nghiệm là quỹ hỗ trợ nông, lâm. Thông qua quỹ này, chúng tôi sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp với người dân nghèo để tìm đầu ra của sản phẩm”./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo