Cấp phép dự án phá vỡ cảnh quan di tích
Dự án trong khu di tích
Theo Quyết định 1000/QĐ-UBND ngày 5.6.2013 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 công trình khai thác lộ thiên mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại phía nam (khu B Trại Sơn), xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên do UBND TP.Hải Phòng phê duyệt, dự án trên có tổng diện tích 142.986m2, trong đó đất ở khu vực khai thác có diện tích hơn 100.000m2, còn lại dành cho khu vực phụ trợ, bãi nghiền đá, hồ lắng, khu văn phòng... Ngày 3.7.2013, UBND TP.Hải Phòng có thông báo thu hồi 142.986m2 đất để thực hiện dự án của Cty TNHH Kiên Ngọc.
Ông Nguyễn Văn Say - một trong những hộ dân được thông báo về việc kiểm kê tài sản để tổ công tác của huyện lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng - cho biết: “Nguyên nhân khiến tôi và một số hộ khác không đồng ý bàn giao đất vì phản đối dự án nằm trong quần thể khu di tích lịch sử của dãy núi Trại Sơn”.
Ông Phạm Văn Phương - Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, đơn vị quản lý quần thể di tích xã An Sơn - cho biết: Khu di tích nằm trên dãy núi Thiên Triều có diện tích xấp xỉ 20ha. Trên núi có nhiều di tích lịch sử, hàm chứa nhiều giá trị lịch sử liên quan đến cộng đồng dân cư từ thời Hùng Vương đến thời kháng chiến chống Pháp.
Động Hang Vua (có từ thời Hùng Vương, thờ cụ Quý Minh, hiện thân của Tản Viên sơn thánh); Thời Mạc thế kỷ 15-16 có khu di tích chùa Kim Liên, nằm ở chân núi, nơi có nhiều bia đá ma nhai, tháp mộ rất quý. Thời chống Pháp, có hang Đốc Tít - nơi đóng quân của nghĩa quân Đốc Tít tham gia chống Pháp đầu thế kỷ 20, đã thực hiện nhiều trận đánh, gây cho địch nhiều thiệt hại...
Người dân phản đối
Ông Nguyễn Văn Trịnh (85 tuổi), trú tại xóm 10 thôn Trại Sơn - đại diện cho những người dân phản đối dự án của Cty Kiên Ngọc (trụ sở tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) - cho biết: "Trước đây, tôi là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Kế hoạch của huyện Thủy Nguyên. Năm 2005, tôi là một trong số những người trong ban soạn thảo, làm hồ sơ đề nghị cấp bằng cho quần thể di tích trong dãy núi Thiên Triều (còn gọi là núi Trại Sơn), vì vậy, việc dự án được cấp phép sẽ phá vỡ cảnh quan của cả quần thể di tích - địa danh rất có ý nghĩa đối với những người dân khu vực xung quanh".
Không những thế, ông Trịnh cũng cho rằng, dự án quá gần nhà dân (cách khoảng 100m), chưa kể ngay gần đó là một trường mầm non dành cho con em ở khu vực, nên khi dự án hoạt động, việc nổ mìn khai thác đá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.
Ông Phạm Văn Đảng - Trưởng thôn 9 Trại Sơn - bày tỏ quan điểm: Việc cấp dự án sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu di tích. Không những thế, khi dự án hoạt động, môi trường khu vực xung quanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thế hệ mai sau, khi mà di tích không còn nguyên vẹn để giáo dục thế hệ sau, chưa kể nguồn tài nguyên bị ảnh hưởng...
Cũng theo ông Bảng, ngay tại địa bàn xã, nhiều ngọn núi đã bị san phẳng do các Cty khai thác khoáng sản khai thác. Nhiều ngọn núi đã bị khai thác âm, sâu hàng chục mét nhưng vẫn chưa được bồi hoàn, nham nhở. Vì thế nên người dân rất bức xúc khi nghe tin dự án được cấp phép ngay tại quần thể núi Thiên Triều. Người dân tha thiết đề nghị thành phố cho dừng dự án của Cty Kiên Ngọc, chuyển sang thực hiện ở địa điểm khác.
Còn theo ông Phạm Văn Phương, dãy núi hình vòng cung, ngoài việc có nhiều di tích lịch sử, còn có tác dụng như cánh cung bảo vệ dân làng. Cả dãy núi có 5 -6 điểm di tích thuộc khu vực bảo vệ vùng 1. Còn khu vực bảo vệ 2 chính là cảnh quan còn lại của dãy núi. “Với tư cách là người làm bảo tồn, bảo tàng, tôi cho rằng việc cấp phép dự án tại dãy núi sẽ phá hỏng toàn bộ cảnh quan quần thể di tích này, đây là một việc rất đáng tiếc” - ông Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Tượng - Chủ tịch UBND xã An Sơn - cho biết, đã nhận được nhiều kiến nghị của người dân về việc phản đối dự án của Cty Kiên Ngọc. Còn việc cấp phép cho dự án hoạt động là thẩm quyền của cấp thành phố, xã không có quyền. Trước khi có quyết định phê duyệt, thành phố cũng đã tổ chức hội nghị để tham vấn ý kiến các ngành. Tuy nhiên, ông Tượng thừa nhận, đã là di tích thì phải có vùng đệm, nên nếu giữ được cả thì quần thể mới đẹp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo