Cấp tập chống tiền bẩn
Theo thống kê của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (AFTA), hoạt động rửa tiền mỗi năm chiếm 5% GDP của toàn thế giới, tương đương khoảng 1.000 tỷ USD. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo nhìn nhận từ Ngân hàng Vietcombank, ngân hàng có hoạt động sớm nhất trong chống rửa tiền, thì rửa tiền tại Việt Nam cũng không nhỏ.
Rủi ro lớn cho ngân hàng
Ông Lê Như Dương, Trưởng phòng Quản lý rửa tiền của Vietcombank, cho biết, liên tục mấy tháng đầu năm 2012, nhiều cá nhân, tổ chức đã chuyển lượng tiền lớn lòng vòng qua lại với nhau, các khách hàng này mở tài khoản chỉ để chuyển tiền.
Với giao dịch vài chục tỷ đồng/ngày, các cá nhân, tổ chức chuyển tiền lòng vòng đã bị nghi ngờ nhằm mục đích kiếm tiền "bẩn" thông qua việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế Giá trị gia tăng, một hình thức móc túi ngân sách. Sự việc này đã được chuyển lên Cục Phòng, chống rửa tiền (AMLD), Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, những giao dịch bất thường, nghi ngờ rửa tiền trong và ngoài nước đều được các ngân hàng thương mại tại Việt Nam báo cáo lên AMLD.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng AMLD, nhiều lĩnh vực bị lạm dụng để trở thành nơi rửa tiền nhưng rất khó phát hiện. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tội phạm rửa tiền gia tăng, như dùng quá nhiều tiền mặt và việc vận hành, tuân thủ phòng, chống rửa tiền chưa tốt. Hoạt động rửa tiền mang đến rủi ro lớn cho các ngân hàng. Trong năm 2011, HSBC đã bị phạt đến 500 triệu đồng; một số ngân hàng bị cắt hết đại lý vì phòng, chống rửa tiền chưa hiệu quả.
Mua "danh sách đen" để tránh
Hiện nhiều ngân hàng ở Việt Nam đã trang bị cho mình "vũ khí" để tránh bị lợi dụng để rửa tiền. Ông Dương cho biết, Vietcombank phải thường xuyên mua "danh sách đen" (những cá nhân, tổ chức bị liệt vào tội phạm rửa tiền) của FATF để tránh. "Nếu cho "danh sách đen" này giao dịch tại ngân hàng mình thì các ngân hàng trên thế giới sẽ cắt đứt giao dịch với chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải mua để tránh", ông Dương nói.
Để đầu tư xây dựng một hệ thống phòng, chống rửa tiền, ít nhất cũng phải bỏ ra 1 triệu USD. Theo AMJLD - NHNN, để liên thông với thế giới, một số ngân hàng Việt Nam hiện cũng đã trang bị hệ thống này cho mình. Tuy nhiên, dù các ngân hàng tăng cường công tác này nhưng vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn, như vấn đề đào tạo và nhân lực, kinh nghiệm...
Đáng nói hơn, lạm phát, kinh tế khó khăn khiến các tổ chức, cá nhân nhận thức về phòng chống rửa tiền chưa cao cũng góp phần gây khó cho thực hiện việc này.
Ráo riết ban hành quy chuẩn khuyến nghị
Quốc hội hiện đang thảo luận và dự kiến tháng 6/2012 sẽ ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong khi đó, AMLD cũng cho biết, cơ quan này đang ráo riết soạn thảo bộ chuẩn khuyến nghị về phòng chống rửa tiền và sẽ trình Chính phủ trong thời gian gần nhất, dự kiến sẽ thông qua vào ngày 18/6 tới |
End of content
Không có tin nào tiếp theo