Cắt giảm biên chế không trả phụ cấp
Trường hợp nhân viên đã làm việc 2 năm và ký Hợp đồng lao động không thời hạn với mức lương cơ bản để đóng bảo hiểm là: 2.830.000 đồng. Thực tế theo thỏa thuận mức lương thực nhận hàng tháng là : 5.200.000 đồng, có bảng lương xác nhận hàng tháng của Phó giám đốc (người được ủy quyền ký). Ngày 26/10/2011 Phó giám đốc họp các phòng ban và đưa ra quyết định giảm biên chế bất ngờ. Có gửi mail thông báo việc giảm biên chế, trong mail viết: Bắt đầu giảm biên chế từ tháng tới với lý do tình hình công ty khó khăn. Chế độ trợ cấp mất việc mà công ty chi trả là: 02 tháng lương cơ bản như hợp đồng đã ký, ngoài ra ko bao gồm các khoản phụ cấp theo người lao động hiểu khi mất việc. Đến nay đã 10 ngày kể từ ngày nhận mail giảm biên chế, 2 bên (người sử dụng lao động và người lao động) vẫn chưa thỏa thuận được mức trợ cấp mất việc này. Vậy theo pháp luật lao động, vụ việc này có thể đem ra tòa án kinh tế hay Sở liên ngành nào để khiếu nại được không? Và những thủ tục cần thiết cho việc khiếu nại này như thế nào? Chi phí và thời gian khiếu nại là bao nhiêu và bao lâu? Mong nhận được tư vấn!
Gửi bởi: thuythuy
Ngày: 08/11/2011 12:00:00 SA
Trả lời (Có tính chất tham khảo)
* Về mức trợ cấp mất việc: Mức trợ cấp mất việc được tính theo quy định tại Điều 1 Thông tư 39/2009/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2009 hướng dẫn thi hành Điều 12 của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm như sau: “Tiền trợ cấp mất việc làm = số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm x tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm x 01”. Trong đó, số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động làm việc liên tục cho người sử dụng lao động tính từ khi bắt đầu làm việc đến khi người lao động bị mất việc làm, trừ đi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian làm việc từ 1 đến dưới 6 tháng sẽ được làm tròn thành 6 tháng và được hưởng ½ tháng lương. Từ đủ 6 tháng trở lên sẽ được làm tròn thành 1 năm và được hưởng 1 tháng lương. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề của người lao động trước khi bị mất việc làm. Mức trợ cấp mất việc làm thấp nhất bằng 2 tháng lương.
* Theo điểm b khoản 2 Điều 166 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động số 74/2006/QH11 thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp quận, huyện để yêu cầu giải quyết. Về thủ tục khởi kiện thì bạn cần phải có đơn khởi kiện và các giấy tờ chứng minh về quan hệ lao động, về sự kiện tranh chấp theo quy định pháp luật. Sau đó đến cơ quan thi hành án để nộp tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án.
Tuy nhiên, theo như bạn trình bày thì chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề chưa rõ ràng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc công ty thông báo giảm biên chế: ngày 26/10/2011 bạn nhận được thông báo của công ty là từ tháng sau sẽ giảm biên chế nhưng không có ngày cụ thể nên không thể xác định được công ty có vi phạm thời gian báo trước không. Do hợp đồng lao động của bạn là không xác định thời hạn nên theo điểm a khoản 3 Điều 38 thì công ty phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
Thứ hai, lý do công ty đưa ra là do công ty gặp khó khăn là chưa cụ thể. Nếu công ty căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 38 thì phải là do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh trở lên hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, do dịch bệnh không thể khắc phục được dẫn đến việc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Còn nếu công ty chỉ nói chung chung là do tình hình khó khăn thì đó không phải lý do để chấm dứt hợp đồng.
Nếu công ty vi phạm về thời gian thông báo hoặc lý do công ty đưa ra không được xem là lý do bất khả kháng thì việc công ty chấm dứt hợp đồng với bạn là trái pháp luật. Việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ dẫn đến việc công ty phải thực hiện các trách nhiệm được quy định tại khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động 1994 đã sửa đổi, bổ sung năm 2002, 206 và 2007.
Các văn bản liên quan:
Trả lời bởi: Chuyên viên - Cục Trợ giúp pháp lý
End of content
Không có tin nào tiếp theo