Cắt giảm chi phí để hội nhập
Cắt giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh là cách tốt nhất để các doanh nghiệp nhỏ và vừa(SME) Việt Nam có thể hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ quản lý chuỗi cung ứng
Tại hội thảo "Cải thiện năng lực cạnh tranh: Công cụ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với thị trường thế giới" do Câu lạc bộ doanh nhân 2030 và Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức ngày 12-3 tại TPHCM, đại diện các công ty P&G Vietnam, Visa Vietnam, UPS Vietnam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Emre Olcer, Tổng giám đốc Procter & Gamble Vietnam, cho rằng thông qua việc cải thiện chuỗi cung ứng, giải pháp thanh toán, tiếp thị trực tuyến… các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Số lượng đối tác là doanh nghiệp SME trên toàn cầu của tập đoàn P&G rất khổng lồ nên có thể nói là chúng ta đang đi cùng trên một con thuyền, đối tác tốt thì chúng tôi mới có thể hoạt động tốt”, ông nhấn mạnh.
Ông Jeff McClean, Tổng giám đốc Công ty UPS Vietnam, cho biết có 15-40% chi phí của doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động của chuỗi cung ứng. Do vậy nếu chuỗi này được tinh chỉnh hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm một số tiền rất lớn.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao nhận, kho vận, ông McClean nhận xét mô hình kinh doanh hiện đại là tạo ra sản phẩm “đo ni đóng giày” với từng khách hàng. Bên cạnh đó là khả năng gắn kết thương mại điện tử vào quản lý chuỗi cung ứng.
Ông McClean cho biết riêng ở TPHCM đã có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên chi phí cho các hoạt động còn cao dẫn đến sự thiếu hiệu quả, lợi nhuận thấp của một bộ phận lớn doanh nghiệp. Điều này kéo theo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực logistics cũng thấp.
Để cải thiện chuỗi cung ứng, theo ông McClean, doanh nghiệp cần phải am hiểu thị trường; rà soát, đánh giá quy trình kinh doanh; sử dụng đối tác kinh doanh bên thứ ba (third party partner).
... Đến thanh toán thẻ
Phát biểu tại hội thảo, bà Lorijon Baccchi, Giám đốc Visa Vietnam, nêu một trong những lý do khiến chi phí tiền mặt và chi phí quản lý của các doanh nghiệp ở Việt Nam cao là do tỷ lệ sử dụng và chấp nhận thanh toán bằng thẻ của các doanh nghiệp SME còn thấp.
“Tỷ lệ doanh nghiệp SME ở Việt Nam sử dụng và thanh toán bằng thẻ ở Việt Nam rất thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực như Philippines, Thailand, Singapore”, bà nói. “Theo khảo sát của chúng tôi,các doanh nghiệp SME sử dụng thẻ thanh toán nhiều nhất cho hoạt động du lịch và giải trí, đặt vé, thanh toán hoạt động hàng ngày… Những hoạt động này hoàn toàn có thể được thực hiện dễ dàng với thanh toán bằng thẻ”, bà nói thêm.
Tỷ lệ thanh toán bằng thẻ thấp cũng tạo ra cơ hội cho tiêu cực và sự thiếu minh bạch phát triển trong doanh nghiệp, không có lợi cho hoạt động kế toán, kiểm toán, bà Bacchi nói.
Phản hồi ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng mức tính phí 3,5% trên giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng còn quá cao và không hấp dẫn, bà Bacchi cho rằng mức tính phí sẽ giảm xuống khi mức độ cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng và số lượng người tham gia hoạt động thương mại điện tử tăng lên.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Tổng giám đốc Công ty Tài Ngân, cho hay thanh toán thẻ nội địa (các thẻ ATM của ngân hàng) đang rất phổ biến nên việc chuyển khoản, trả chi phí bằng thẻ nội địa rẻ hơn rất nhiều so với thẻ quốc tế.
Thái Hằng- Văn Nam (TBKTSG Online)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo