Câu cá ngừ kiểu Nhật: Bộ NN&PTNT 'đem con bỏ chợ'?
Cán bộ xuất ngoại để du lịch?
Liên quan đến việc ngư dân Bình Định nói thẳng cán bộ hướng dẫn sai kỹ thuật đánh bắt cá ngừ theo công nghệ Nhật, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam không hề ngạc nhiên bởi đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng cán bộ xuất ngoại "cưỡi ngựa xem hoa", chủ yếu đi "du lịch" rồi về chẳng làm được gì.
Ông cho rằng đó là điều tất yếu sẽ xảy ra khi khâu quan trọng nhất là kỹ thuật lại không được các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) chú trọng.
Bình Định là một trong những tỉnh có sản lượng cá ngừ lớn nhất cả nước hiện nay (khoảng 10.000 tấn/năm). Để nâng cao giá trị con cá ngừ, năm 2013, lãnh đạo tỉnh đã chủ động sang Nhật tới 6 lần để gặp gỡ Hội Hữu nghị Việt-Nhật, nhờ hội làm môi giới để ký kết với doanh nghiệp Nhật Bản chuyên về khai thác cá ngừ.
Theo đó, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá ngừ cho ngư dân Bình Định. Sau đó tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành thủy sản và Công ty CP thủy sản Bình Định (Bidifisco) đứng ra lo toàn bộ hoạt động này, từ chọn ngư dân để ký hợp đồng làm mô hình thí điểm, mua sản phẩm cao hơn 20% so với giá thị trường, lời lỗ bao nhiêu công ty chịu.
"Về phía tỉnh chỉ hỗ trợ ngư dân mua bộ giàn câu trị giá 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngư dân nhận thức chậm, Bidifisco chỉ là một công ty kinh doanh chứ không trực tiếp đứng ra giúp ngư dân đổi mới về mặt kỹ thuật. Việc này là của Sở NN&PTNT Bình Định và Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, cán bộ của Sở lại không chuyên sâu, kết quả là hai chuyến biển thất bại. Chuyến đầu tiên có 10 con trong tổng số 37 con đạt yêu cầu đi Nhật, chuyến thứ hai chỉ có 4 con nhưng không đưa sang Nhật phòng khi không bán được con nào mà các chi phí vẫn phải trả", ông Vũ Đình Đáp cho biết.
Theo ông Đáp, hai trong số 4 người sang Nhật học công nghệ khai thác cá ngừ đều là cán bộ chuyên môn của Sở NN&PTNT Bình Định. "Tuy nhiên, đi học về rồi họ lấy cớ bận công tác quản lý để không ra biển. Họ cử hai cán bộ khác ở Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định đi thay, mà hai người này có được học đâu. Ra biển đã không giúp được gì cho ngư dân, thậm chí còn say sóng.
Rõ ràng, khâu tổ chức ở phía trên, kết nối với thị trường Nhật Bản làm rất tốt nhưng việc thực hiện ở cơ sở, mà vấn đề cơ bản, quan trọng nhất là kỹ thuật lại làm rất dở. Đó là chưa nói Bộ NN&PTNT quan liêu. Bộ có cả một Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, bản thân Tổng cục Thủy sản cũng có một Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế nhưng lại đẩy hết cho địa phương.
Lẽ ra Bộ phải phối hợp với Sở để tổ chức một đề án/đề tài nghiên cứu đàng hoàng, tuyển chọn cán bộ kỹ thuật thực hiện đề tài, thuê một tàu ra biển đánh bắt cá ngừ trực tiếp theo công nghệ hiện đại, thành công thì hướng dẫn ngư dân. Ngư dân nhìn thấy ai làm có hiệu quả là họ bắt chước được ngay. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có ai làm được việc này. Cứ hô hào như thế nhưng thực ra chỉ là phong trào, không có chiều sâu - đó chính là kỹ thuật", Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ thẳng thắn.
Ông Đáp cho rằng, không hề hiếm hiện tượng cán bộ các cấp vụ, cấp cục tiếng là đi nước ngoài nghiên cứu, thực chất ngoài việc dự mấy buổi hội thảo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", chủ yếu là họ đi du lịch.
"Khi tôi còn làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng có đi theo mấy đoàn sang Úc nghiên cứu về cá ngừ. Khi họp bàn với các chuyên gia khai thác cá ngừ của Úc, tôi muốn chất vấn, tìm hiểu thêm về kỹ thuật khai thác cá ngừ nhưng những người trong đoàn đi cùng lại phản đối, không thích chuyện này. Họ chỉ cần sang đây đi du lịch, có chút tiền công tác phí, thế là đã hoàn thành nhiệm vụ rồi.
Khi tôi nghỉ hưu được 1 năm, tôi đi nước ngoài với một số đoàn của Bộ Nông nghiệp, trước là Bộ Thủy sản, cũng đều thế cả. Người chuyên môn thì ít mà cán bộ quản lý cấp cục, vụ thì nhiều. Cách đi học, trao đổi kinh nghiệm là thế, đi hơn chục ngày để rồi khi về mạnh ai nấy làm, mà làm cũng không được", ông Đáp nói.
Hội thảo cho ngư dân đã ngừng...đi biển?
Tháng 8/2014, Bộ NN&PTNT ban hành "Đề án thí điểm khai thác, thu mua và chế biến cá ngừ theo chuỗi giá trị", thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn) theo hướng công nghiệp, hiện đại; gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Đình Đáp, đề án này là cả một kế hoạch tổng thể và dài hạn, kéo dài từ năm 2014 đến 2020 nên chưa có kết quả ngay được. Hiện nay, việc khai thác cá ngừ được tiến hành rời rạc, riêng rẽ, nhà nước không đầu tư nhiều.
"Đến thời điểm này, các cảng cá, dịch vụ do nhà nước đầu tư hoặc là cũ, hoặc không phù hợp với nghề cá hiện tại. Những cảng trực tiếp phục vụ cho nghề khai thác cá ngừ như cảng ở phường 6, Phú Yên sang năm mới hoàn thiện, Bình Định chưa có trong khi cảng Hòn Rỡ ở Khánh Hòa thì đã xây dựng cách đây gần chục năm. Các công trình phụ trợ kèm theo, kể cả việc thông luồng cũng không đồng bộ nên hiệu quả khai thác thấp.
Từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, hầu như chưa có ngư dân nào làm thủ tục vay vốn được vì nó cần cả quá trình xem xét, cân nhắc, xét duyệt ở phương rồi mới chuyển qua ngân hàng rất phức tạp", ông Đáp cho biết.
Ông Đáp cho rằng, đề án của Bộ rất hay về lý thuyết nhưng khâu tổ chức thực hiện cần xem xét lại chứ không thể nói khơi khơi ở hội nghị rồi cuối cùng đẩy cho địa phương.
"Thời gian qua nhiều hội nghị, hội thảo của Bộ NN&PTNT về con cá ngừ được tổ chức ở miền Trung nhưng có lẽ nó chỉ tốn kém chứ không mang lại hiệu quả gì, không tác động gì tới sản xuất. Những gì người ta phát biểu ở hội thảo ngư dân nghe thấy rất đúng: họ chưa khắc phục được về mặt kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu của nhà nước để khắc phục, giải quyết vấn đề. Nhưng Bộ lại làm kiểu nông toen hoẻn, không đầu tư đúng mức thì không giải quyết được vấn đề đó. Phải có người làm, có đầu tư, cùng ra biển đánh bắt với ngư dân, làm được chất lượng hơn hẳn thì ngư dân mắt thấy tai nghe mới học, còn nói khơi khơi ở hội nghị thì được cái gì?
Tôi đã chứng kiến ngư dân đi dự hội nghị 10 người thì may lắm được 1-2 người đi biển, còn lại là các ông già đã ngừng đi biển cách đây dăm bảy năm. Tỉnh cứ giao cho huyện, huyện giao cho xã và họ tìm những người đó. Năm, mười năm nay, bao nhiêu hội nghị đều như thế.
Từ năm 2012, Bộ mới chỉ có một đề tài khảo sát, đánh giá, chứ không phải nghiên cứu trị giá hơn 300 triệu giao cho Đại học Nha Trang. Đề tài cũng chỉ đánh giá được một nguyên nhân vì sao con cá giảm chất lượng, giải pháp thế nào. Hiện nay có một đề tài tiếp tục được giao cho Đại học Nha Trang để nghiên cứu giảm tổn thất 20% nhưng cũng chỉ chung chung, không ra được vấn đề".
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đề xuất, giao cho Hiệp hội hướng dẫn ngư dân về kỹ thuật khai thác cá ngừ.
"Hiệp hội có nhiều cán bộ làm nghề thủy sản lâu năm, họ sẵn sàng đi biển chứ không phải ngồi trong phòng nói suông. Chỉ cần cử 2-3 cán bộ kỹ thuật có tâm huyết, nắm được nguyên lý, đi cùng ngư dân 2,3 chuyến biển là ngư dân hoàn toàn có thể ứng dụng kỹ thuật của Nhật Bản thành công. Chúng tôi có thể đảm bảo sẽ làm cùng ngư dân và sẽ thành công.
Những cán bộ của Sở NN&PTNT Bình Định đã bao giờ đi biển? Hãy cử những người từng đi biển, ăn sóng nói gió trên biển 5-10 năm nay, có thể tuổi họ đã cao nhưng yêu nghề, khỏe mạnh và thuyết phục được ngư dân", ông Đáp kiến nghị.
"Nhật Bản đã cung cấp công nghệ đánh bắt cá ngừ rất hay, nhưng áp dụng thế nào thì Việt Nam lại chưa thể làm được. Nguy hiểm nhất là khiến ngư dân mất lòng tin", Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc