Câu hỏi trị giá 300 nghìn tỷ USD
Libor là loại lãi suất vô cùng quan trọng khi quyết định lãi suất phải trả cho gần 1 nửa trong số các hợp đồng cho vay thế chấp có lãi suất thả nổi ở Mỹ.
Lãi suất này cũng có liên quan đến các hợp đồng tài chính có trị giá ước tính lên tới 300 nghìn tỷ USD có phạm vi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, giờ đây, Libor đang đối mặt với những thay đổi rất lớn.
Đầu tiên, đó là bản báo cáo vào ngày 28/9. Chịu trách nhiệm chính về bản báo cáo này – Martin Wheatley – người đến từ Cục quản lý dịch vụ tài chính Anh (FSA) - sẽ phải đưa ra câu trả lời thuyết phục cho một vài câu hỏi hóc búa.
Tất cả mọi người đều đồng ý rằng cơ chế thiết lập lãi suất Libor hiện nay đã tan vỡ. Mỗi ngày, có tới 150 lãi suất Libor được tạo ra, liên quan đến 10 loại tiền tệ và 15 kỳ hạn khác nhau. Việc thiết lập được thực hiện bởi Hiệp hội các ngân hàng nước Anh (BBA) nhằm đo lường chi phí đi vay của các ngân hàng.
Các ngân hàng sẽ ước tính được họ phải trả bao nhiêu nếu như muốn đi vay mượn từ các ngân hàng khác và sau đó báo cáo mức ước tính lên BBA. Khi đó, các giá trị cực trị bị loại bỏ (25% trong số các lãi suất cao nhất và thấp nhất) và con số trung bình của các lãi suất còn lại sẽ làm nên lãi suất LIBOR.
Nếu như các ước lượng là chính xác, hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, các giao dịch viên làm việc tại các ngân hàng báo cáo về lãi suất sẽ thu về hoặc bị lỗ hàng triệu USD vì những biến động của lãi suất Libor. Do đó, cũng là điều dễ hiểu khi cả hệ thống bị sai lệch. Các ước tính không dựa trên lãi suất cho vay của ngân hàng mà sẽ là mức đem lại lợi nhuận cao nhất cho các nhà giao dịch.
Câu hỏi khó khăn đầu tiên mà ông Wheatley phải trả lời sẽ là làm cách nào để có thể đưa ra mức lãi suất chính xác. Có thể, các dữ liệu sẽ được thu thập 1 cách chính xác hơn với nhiều giao dịch thực tế hơn.
Chắc chắn, độ chính xác sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, giải pháp này cũng mang lại không ít phiền toái do qui mô thực hiện quá lớn. Một giải pháp khác là sử dụng phép ngoại suy để lấp đầy các khoảng cách về số liệu. Một cách khác nữa là thu hẹp phạm vi của lãi suất Libor.
Cho dù FSA chọn cách nào để tìm ra lãi suất chính xác đi chăng nữa, lãi suất Libor mới sẽ hoàn toàn khác biệt. Hôm 24/9, Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đã đưa ra 1 phân tích khẳng định lãi suất Libor đang thấp hơn 1 cách khác thường so với các lãi suất cơ bản khác.
Đồng thời, lãi suất hiện nay cũng ổn định 1 cách khác thường. Hầu hết các ngân hàng chỉ thay đổi lãi suất dưới 30 lần trong khi trên thực tế số lần có thể lên đến 182. Như vậy, lãi suất Libor mới có thể cao hơn và biến động mạnh hơn.
Lãi suất Libor mới có thể được áp dụng nhanh chóng đến đâu cũng là 1 vấn đề lớn. Những người nắm giữ các hợp đồng áp dụng lãi suất Libor cũ sẽ đột ngột bị ảnh hưởng khi hệ thống mới bắt đầu vận hàn.
Do đó, điều này có thể ảnh hưởng ađến các khoản chi trả lợi suất và giá trị của tài sản, khiến nhà đầu tư và những người cho vay thiệt hại.
Khi trường hợp này xảy ra, họ có 2 lựa chọn: “sống chung” với lãi suất Libor mới hoặc cố gắng chứng minh rằng hợp đồng đã bị vi phạm. Tuy nhiên, theo Lianne Craig, chuyên gia đến từ hãng luật Hausfed, nhà đầu tư khó có thể chứng minh rằng hợp đồng đã bị vi phạm bởi khi hợp đồng được soạn ra, các bên tham gia không thể lường trước được tình huống lãi suất Libor sẽ thay đổi.
Điều cuối cùng, ông Wheatly sẽ phải quyết định xem ai nên quản lý lãi suất Libor. Trong thông báo được đưa ra ngày 25/9, BBA đã tuyên bố rõ ràng sẽ từ bỏ đống hỗn độn này. Rất có thể trách nhiệm sẽ thuộc về FSA. Tuy nhiên, dù ai là người thừa kế vai trò ấy, chắc chắn đó sẽ là 1 công cuộc gian lao.
Theo TTVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo