Câu lạc bộ nghị sĩ tỉ phú ở Mỹ và Trung Quốc
Giá trị tài sản ròng năm 2011 của 70 đại biểu trong Quốc hội Trung Quốc (NPC) là 565,8 tỉ NDT (89,8 tỉ USD), tăng 11,5 tỉ USD so với năm 2010. Trong khi giá trị tài sản ròng của các quan chức hàng đầu nước Mỹ là 7,5 tỉ USD.
Thành viên giàu nhất trong NPC là Zong Quinghou, chủ tịch công ty sản xuất nước giải khát Hàng Châu. Vị này là người giàu thứ hai Trung Quốc, với tài sản 68 tỉ NDT (10,79 tỉ USD). Đứng sau là bà Wu Yajun, chủ tịch tập đoàn Longfor Properties ở Bắc Kinh, với tài sản 42 tỉ NDT (6,66 tỉ USD).
Giàu thứ ba trong NPC là tỉ phú ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc Lu Guanqiu, người có mặt trong đoàn của phó Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Mỹ giữa tháng 2 vừa qua. Không ít người giàu trong NPC hoạt động trong ngành bất động sản, lĩnh vực có nhiều khiếu kiện và được cho là góp phần làm tăng khoảng cách giữa giàu và nghèo ở Trung Quốc.
Cách đây một thập kỷ, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân khuyến khích các doanh nhân tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kể từ đó, trong vị trí lãnh đạo của NPC, xuất hiện các gương mặt tỉ phú.
Tài sản bình quân của 2% trong tổng số người giàu nhất trong NPC, tương đương 60 người, là 1,44 tỉ USD/người, trong khi tài sản bình quân của 2% người giàu nhất Quốc hội Mỹ, tức 11 người, là 323 triệu USD.
Người giàu nhất trong Quốc hội Mỹ là Darrell Issa, với tổng tài sản là 700,3 triệu USD. Nếu ở Trung Quốc, vị này sẽ xếp hạng thứ 40. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ bằng 1/6 so với Mỹ, dù đã quy đổi theo ngang giá sức mua.
Mức tăng thu nhập của thành viên NPC phần nào phản ánh khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày càng rộng ra. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ là 2.425 USD năm 2010.
Theo Washington Post, giá trị tài sản ròng trung bình của các nghị sĩ Mỹ đã tăng lên gấp ba trong vòng 25 năm (1984 – 2009), từ mức 280.000 USD (không bao gồm giá trị tài sản nhà).
Trong khi giá trị tài sản ròng của nghị sĩ tăng 15% tính từ năm 2004 đến năm 2010, thì tài sản của 10% giới nhà giàu ở Mỹ không đổi, còn với người dân bình thường, tài sản giảm 8%, theo phân tích của Moody’s.
Điều này phần nào cho thấy, thành viên Quốc hội Mỹ ngày càng giàu thêm, không chỉ so với người lao động bình thường, mà còn so cả với những người giàu khác ở Mỹ.
Ở Mỹ đã có những cuộc tranh luận rộng rãi về lý do tại sao khoảng cách giàu nghèo giữa nghị sĩ và người dân ngày càng xa.
Nghiên cứu của đại học Yale và viện Công nghệ Massachusetts năm 2010 cho thấy, danh mục đầu tư của các nhà lập pháp thật sự tồi tệ hơn giới đầu tư tư nhân.
Nhưng báo cáo tìm ra rằng các nghị sĩ thành công hơn vì đầu tư vào các công ty tại quê nhà và tận dụng mối liên kết chính trị với các nhà tài trợ để kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh đó, các nghị sĩ có thể tận dụng tình trạng lỏng lẻo trong kiểm soát các giao dịch nội gián, sử dụng lợi thế thông tin để giao dịch chứng khoán hay bất động sản để sinh lợi, hoặc các ưu đãi về thuế.
Theo Bloomberg, báo cáo của Hurun chỉ ra thách thức bất ổn xã hội đến từ việc giải toả, thu hồi đất và nạn tham nhũng, để các nhà lãnh đạo thế hệ mới của Trung Quốc phải giải quyết trong những năm sắp tới.
Theo SGTT.
End of content
Không có tin nào tiếp theo