Pháp luật

Cây tiền thật trang trí Tết nổi như cồn có phạm luật?

Những cây cảnh được làm bằng tiền thật dùng để trang trí trong ngày Tết với ý nghĩa cầu tài lộc may mắn có thể phạm luật?

Bán tràn lan trên mạng

Mặc dù còn hơn 3 tháng nữa mới đến dịp Tết Nguyên Đán 2015 nhưng nhiều mặt hàng đặc trưng của ngày tết đã rục rịch chuẩn bị tung ra thị trường. Đặc biệt, sản phẩm cây tiền giấy xuất hiện và hút khách dịp tết năm 2014 thì nay đã tái khởi động với những quảng cáo rầm rộ trên các trang bán hàng trên mạng.
 
Thậm chí, nhiều nơi còn tung ra các chiêu khuyến mãi khác nhau để hút khách như giảm giá, giao hàng miễn phí hay mua một cây tiền tặng thêm 1 tờ tiền giấy 10 nghìn đồng có seri đẹp...
 
 Cây tiền thật được rao bán tràn lan trên mạng.
 
Trước đây các cây tiền được làm bằng tiền âm phủ nhưng hai năm trở lại đây xuất hiện thêm sản phẩm cây tiền được làm bằng tiền thật rất hút khách mặc dù giá không hề rẻ. Cây tiền thật được gọi với cái tên cây tài lộc là một sản phẩm thủ công với nguyên liệu chính là tiền giấy thật, dây thép và một số đồ trang trí. Theo lời quảng cáo, loại cây tiền được làm từ 39 tờ tiền được gọi là “tiểu thần tài” và cây làm từ 79 tờ tiền gọi là “đại thần tài”, trang trí cây tiền trong nhà với ý nghĩa cầu tài lộc và may mắn cho năm mới. Loại tiền được sử dụng chủ yếu là tiền giấy có màu đỏ với các mệnh giá như 500 đồng hay 10 nghìn đồng cũ. Ngoài ra còn có các mệnh giá tiền 1 nghìn, 5 nghìn và 20 nghìn đồng để kết hợp làm trang trí cho cây tiền thêm sinh động.
 
 Cây tiền thật được dùng để trang trí trên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết Nguyên Đán.
 
Trao đổi với chị Thu Thủy là chủ nhân của một shop online chuyên bán các mặt hàng handmade, chị cho biết: Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về sản phẩm cây tiền giấy nên dịp tết 2015 chị đã nhanh chóng làm nhiều sản phẩm với mẫu mã đa dạng. Nhờ rao bán trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội... nên nhiều người biết đến. Mới chỉ rao bán trên mạng được hơn một tuần nay nhưng đã có hàng chục đơn đặt hàng.
 
Thường thì khách hàng sẽ đặt hàng và chuyển trước một khoản tiền,  trong vòng một tuần họ có thể trực tiếp đến lấy hàng, hoặc nhân viên của cửa hàng sẽ giao hàng đến tận nhà các khách hàng trong khu vực nội thành Hà Nội. Anh Xuân Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội) là một người có kinh nghiệm trong nghề làm hoa giả, cơ sở của anh cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng làm cây tiền thật trong dịp tết 2014. Anh Hoàng chia sẻ: Làm cây tiền thật khó khăn nhất là trong công đoạn tìm kiếm nguyên liệu. Nhất là loại tiền giấy 10 nghìn đồng đã ngừng phát hành. Để làm một cây tiền hoàn chỉnh thì một người thợ lành nghề phải làm mất từ nửa ngày đến một ngày. Vào thời điểm giáp tết hàng khan hiếm, làm đến đâu hết đến đấy. Như dịp tết năm 2014, nhà tôi phải làm suốt cả ngày tranh thủ cả đêm mà vẫn không kịp các đơn đặt hàng.
 
Nếu thời điểm tết năm ngoái, tại Hà Nội mới chỉ có vài người làm cây tiền thật thì nay số lượng đã tăng lên nhiều. Bởi làm cây tiền thật đã trở thành một nghề làm thêm hấp dẫn đối với sinh viên các trường đại học.
Thực tế cây tiền thật là một sản phẩm thủ công không quá khó làm, nó không đòi hỏi người làm có quá nhiều kỹ năng và kinh nghiệm mà chỉ cần có thời gian và một chút khéo tay. Chính vì vậy nhiều chủ shop thường nhận đơn hàng sau đó chuyển mẫu và nguyên liệu cho các bạn sinh viên làm với giá thuê từ 100 đến 200 nghìn đồng/cây. Hồng Anh, sinh viên trường Đại học Công Đoàn chia sẻ: Làm cây tiền thật là một công việc làm thêm khá mới mẻ nhưng không quá khó đối với sinh viên. Nếu làm nhanh mỗi ngày bạn có thể làm được hoàn chỉnh 1 đến 2 cây tiền.
 
Tuy nhiên, thị trường năm nay sản phẩm này không còn “hot” như các năm trước do nguồn hàng nhiều hơn, phong phú hơn. Nhìn chung giá bán cây tiền thật năm nay có giảm hơn so với năm ngoái từ 50 đến 200 nghìn đồng tùy loại cây. Anh Tân (Thanh Xuân, Hà Nội) đã phân phối cây tiền nhiều năm nay cho biết: Hiện giá bán cây tiền thật loại tiền 500 đồng là 500 nghìn đồng/cây và cây tiền loại 10 nghìn đồng là 1,4 triệu đồng/cây. Bằng kinh nghiệm bán hàng của mình anh Tân dự đoán sản phẩm này sẽ vẫn được nhiều người ưa chuộng trong dịp tết Nguyên đán 2015. Tuy nhiên, để bán được hàng các cơ sở sẽ phải có nhiều ưu đãi hơn để thu hút khách hàng.
 
Có phạm luật?
 
Khi phong trào mua cây tiền thật về trang trí ngày tết của người dân rộ lên trong dịp tết Nguyên đán 2014 thì phía đại diện Ngân hàng Nhà nước đã có trao đổi với báo chí rằng: Việc sử dụng những đồng tiền mệnh giá 500, 1 nghìn và 5 nghìn đồng vẫn còn giá trị lưu thông để làm thành cây tiền, trang trí như vậy chưa đúng quy định về bảo vệ đồng tiền Việt Nam. Theo quyết định 130 ban hành năm 2003 của Thủ tướng về bảo vệ tiền Việt Nam nêu rõ cấm hủy hoại đồng tiền Việt Nam bằng bất cứ hình thức nào.
Nội dung Dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trình Chính phủ từ năm 2012, hành vi sao chụp, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn hoặc hủy hoại đồng tiền Việt Nam có thể bị phạt từ một đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy định này vẫn nằm trong dự thảo và chưa chính thức được ban hành. Theo quy định, mức phạt hành chính chỉ từ 5 đến 12 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, cũng đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình từ phía người tiêu dùng với "thú chơi này". Trong đó, không ít người cho rằng dùng tiền thật để làm cây trang trí với mong muốn tài lộc vào nhà trong năm mới là không có căn cứ và rất lãng phí.
Theo Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo