Chân dung

CEO Trần Anh: “Khởi nghiệp không bao giờ là muộn…”

Trò chuyện với ông Trần Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần phân bón Hà Lan mới thấy được khát khao cháy bỏng của người con miền Trung. Theo ông, kinh doanh không chỉ vì làm giàu cho bản thân mà vì bà con nông dân và xa hơn vì một nền nông nghiệp Nước nhà.

CEO Trần Anh vừa được vinh danh “vì sự nghiệp phát triển Nông nghiệp  Bền vững 2014”  do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam tổ chức

 

Ước mơ tưởng chừng đơn giản ấy…

 

Là người con Quảng Trị, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy gió và nắng, anh thấu hiểu người nông dân trên mảnh đất quê hương vốn đã cơ hàn, còn phải đương đầu với khí hậu khắc nghiệt. Tuổi thơ cắp sách đến trường, nhưng hình ảnh “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” và dù có tần tảo đến đâu người nông dân cũng khó có thể giàu lên được ở một vùng đất mùa mưa thì lạnh buốt, mùa hè nắng đến rát mặt cộng với gió Lào hanh khô. Đó là chưa kể, thỉnh thoảng còn nghe bà con than phiền phân bón kém chất lượng gây tổn hại đến cây trồng…Anh tâm sự "gia đình tôi làm nông, cũng không mấy khá giả, nhưng ba mẹ muốn cho anh em chúng tôi nở mày, nở mặt, thoát khỏi cảnh một nắng hai sương…ước mong của gia đình và sự vươn lên của tôi cũng đã có ngày tôi bước vào giảng trường Đại học".

 

Năm 1996 rời quê hương bước vào Trường Đại học Giao Thông Vận Tải - Khoa Tự Động Hóa (TP HCM). Sau 4 năm miệt mài đèn sách, cuối cùng anh đã có được tấm bằng kỹ sư hạng ưu. Rời giảng trường Đại học, trong lòng vẫn còn phân vân, chưa định hướng nghề nghiệp,  nhưng vẫn đau đáu hình ảnh đồng ruộng, nương rẫy, cây trồng…làm sao nông dân có được vụ mùa bội thu. Thế rồi anh quyết tâm “dấn thân" vào ngành sản xuất phân bón.

 

Anh kể tiếp "Tôi đầu quân cho một vài công ty sản xuất phân bón ở phía Nam. Có học hành bài bản, đúng nghề, nên công việc của tôi cũng phát huy được sở trường. Tuy thời gian trải nghiệm có mấy năm, nhưng tôi nhận ra thị trường phân bón cạnh tranh không lành mạnh. Cá lớn nuốt cá bé, thật giả lẫn lộn, nông dân bị điêu đứng bởi phân bón giả, phân bón kém chất lượng, doanh nghiệp cũng khóc theo...Là người trong cuộc, tôi từng tự chất vấn mình, tại sao nông dân là khách hàng, là “thượng đế” sao họ bị gạt?. Tôi nghĩ thầm: chỉ có những doanh nghiệp “tranh tối, tranh sáng” còn những doanh nghiệp làm ăn chân chính cùng sớm tối với nông dân sợ gì không có đất sống ở Việt Nam - một đất nước có tới 80% làm nông nghiệp".

 

Lập nghiệp không muộn, nêu có quyết tâm và yêu nghề!

 

- Và anh bắt đầu sự nghiệp từ những trăn trở?

 

Tôi quyết định thôi làm thuê sang làm chủ sau một thời gian tu nghiệp từ  Mỹ trở về. Năm 2011 tôi cùng một vài người bạn thành lập công ty nhờ sự tư vấn một số chuyên gia trong ngành phân bón ở nước ngoài cộng với kinh nghiệm thương trường, học hỏi thêm chuyên môn, kỹ thuật...và Công ty Cổ phần phân bón Hà Lan ra đời trên tinh thần, trách nhiệm “chất lượng, uy tín”  được đặt lên hàng đầu.

 

- Sự khởi đầu hẳn là tốt đẹp?

 

Không hẳn là vậy. Mặc dù đã có sự chuẩn bị, có được hậu thuẫn tư vấn của chuyên gia,  kinh nghiệm thị trường...Nhưng thực sự gian nan không như  trong ý tưởng ban đầu.  Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, cá lớn nuốt cá nhỏ, những doanh nghiệp có tên tuổi, có bề dày trên thương trường lấn át  không cho doanh nghiệp nhỏ, đi sau xâm nhập ngành, xâm nhập thị trường...đó là trở ngại  mà từ đầu chúng tôi chưa lường được.

 

- Vậy anh đã vượt qua những trở ngại đó như thế nào?

 

Chúng tôi xác định: nguồn nhân lực là số một. Hà Lan đã xây dựng nền tảng doanh nghiệp bằng  đội ngũ nhân viên có năng lực, có tâm huyết với nghề. Bởi tôi nghĩ: Hiện đại, văn minh, tốt xấu… đều do con người tạo dựng mà có.  Lý thuyết có hay đến mấy, nếu con người không biết vận dụng vào thực tế thì cũng bằng không. Đồng thời, chúng tôi nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn những sản phẩm tương tự, tạo sự khác biệt hóa sản phẩm, có tính năng vược trội trên thị trường, còn đối với khách hàng  lấy chữ tín làm đầu....

 

- Sản phẩm phân bón Hà Lan bắt đầu và có sự khác biệt gì để tạo sự cạnh tranh?

 

Chúng tôi không sản xuất tràn lan, chỉ sản xuất một vài dòng sản phẩm đặc chủng riêng biệt. Công ty đã mạnh dạn đưa những hợp chất tốt cho cây, cho đất và trong sản phẩm của chúng tôi mà các công ty khách chưa làm được. Hiện tại chúng tôi đang lưu hành các dòng sản phẩm: AMAZON, BIGONE, WINDMILL, SEVEN, NPK 17-7-17, NPK 20-20-15… Mỗi loại sản phẩm cung cấp cho một loại cây nhất định, được nghiên cứu kỹ trên từng loại cây trồng, đất đai, thời tiết, khí hậu … chính vì vậy phân bón Hà Lan đáp ứng tối ưu cho từng loại cây trồng. Vì thế sản phẩm của Hà Lan được bà con nông dân chấp nhận.

 

- Nói vậy cũng chỉ là lý thuyết, còn trên thương trường, chiến lược maketing có gì khác biệt để tạo dựng chỗ đứng lúc ban đầu?

 

Đúng vậy. Dù có tốt, nhưng thương hiệu còn mới, sản lượng ít nên cũng khó chen chân. Đại lý chê chưa có thương hiệu khó bán, nông dân thì sợ sản phẩm mới sẽ ảnh hưởng đến cây trồng...nhưng chúng tôi vẫn kiên trì. Bởi tôi biết  sản phẩm của Hà Lan chất lượng là trên hết, không thua kém các sản phẩm khác trên thị trường, nếu nông dân có cơ hội dùng thử thì chắc chắn họ sẽ hiểu và tin dùng. Chúng tôi đã đi đến quyết định: chọn phương án cho đại lý trả chậm, khuyến mãi sản phẩm cho nông dân dùng thử.

 

- Và phân bón Hà Lan đã thành công chiến thuật “mưa dầm, thấm lâu”?

 

 (Cười) phải vậy thôi. Chúng tôi bắt đầu từ một DNNVV, vốn liếng eo hẹp, nhưng phải “nghiến răng lại” để tiếp thị sản phẩm và chỉ có phương án đó sản phẩm  Hà Lan mới có cơ hội bén thị trường.  Với phương pháp này, sau một vài vụ mùa, nông dân đã quen với các sản phẩm Hà Lan, đại lý bán chạy hàng, sản phẩm của chúng tôi được tiêu thụ ngày càng lớn, doanh số ngày càng tăng. Công ty ngày càng mở rộng quy mô, tăng công suất để đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân, thực hiện được sứ mệnh phục vụ tốt cho ngành trồng trọt nước nhà.

 

- So với các “đại gia” trong ngành sản xuất phân bón, Hà Lan còn quá mới, còn quá trẻ, sản phẩm cũng không nhiều. Nếu “so găng” trên sân chơi, Hà Lan khó tránh khỏi thua thiệt. Vậy để phát  triển bền vững,  Hà Lan  được định hướng như thế nào?

 

Những sản phẩm phân bón Hà Lan đang lưu hành trên thị trường mới chỉ là bước đệm để Hà Lan tiến bước bền vững về phía trước. Ngày 17/2/2014  Hà Lan  đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phân bón  NPK  phức hợp, sử dụng công nghệ hóa lỏng Urê, vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn/năm, nhà máy được xây dựng  tại KCN Tân Kim, Cần Giộc, Long An. Khi nhà máy đi vào hoạt động sử dụng khoảng 150 lao động và không có gì thay đổi, sản phẩm được tung ra thị trường vào quý I/2015.

 

- Vậy anh có thể cho biết tính nổi trội của sản phẩm mới này?

 

 Về mỹ quan sản phẩm bóng, đều đẹp. Về công nghệ, đây là công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến nhất hiện nay. Công nghệ hóa lỏng urê đáp ứng hầu hết nhu cầu dinh dưỡng cho các loại cây trồng, thổ nhưỡng, khí hậu, sản phẩm sản xuất có hàm lượng dinh dưỡng cao và kết hợp nhiều yếu tốt dinh dưỡng trong mỗi viên phân, khi bón phân sẽ tan nhanh, cây trồng dễ hấp thụ, giảm hàm lượng lưu huỳnh trong phân nhằm làn giảm độ chua của đất, giảm thất thoát dinh dưỡng do điều kiện thời tiết gây ra.

 

- Anh kỳ vọng gì từ nhà máy mới này ?

 

Công nghệ mới, sản phẩm mới, chắc chắn sẻ giảm bớt sự cạnh tranh và đáp ứng ngành nghề sản xuất có điều kiện theo Nghị định mới của Thủ Tướng Chính Phủ. Nông dân yên tâm sử dụng mà không phải sợ phân bón giả. Doanh thu từ nhà máy mới này chiếm đến 70% trên  tổng doanh thu của công ty. Ngoài cung cấp cho thị trường nội địa, chúng tôi đã có kế hoạch xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Camphuchia …

 

Tôi muốn sòng phẳng sân chơi

 

- Với chiến lược đầu tư bài bản, chiến lược sản phẩm phân bón Hà Lan liệu có đủ sức cạnh tranh?

 

Ở đời “buôn có bạn, bán có phường” một triết lí mềm dẻo, lấy sự kết nối làm sức mạnh. Đó là nét văn hóa đặc biệt về thương trường của ta, mà tôi nghĩ đó là cái gốc của đạo lí kinh doanh có căn cơ để bền lâu. Khi mới thành lập doanh nghiệp ai cũng muốn doanh nghiệp mình phát triển, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, doanh thu tăng trưởng, thương hiệu được lan tỏa…chứ có ai muốn làm dối, làm giả bao giờ. Tuy nhiên có cạnh tranh mới có phát triển tốt. Nhưng không có nghĩa cạnh tranh theo kiểu chụp giựt, đối tượng thiệt hại nhiều nhất vẫn là khách hàng và ở đây là là nông dân. Họ bỏ tiền thật mà mua lại dịch vụ, hàng hóa giả đó mới là tội ác. 

 

- Anh có nghĩ  sản xuất phân bón “siêu lợi nhuận" không?

 

Tôi không nghĩ như vậy. Người đứng ngoài cuộc, tưởng ngành sản xuất phân bón “siêu lợi nhuận”  làm giả, ăn thật. Người ta thường ví von công nghệ sản xuất phân bón NPK “cuốc xẻng và đất sét…” còn bây giờ đã khác rồi. Sân chơi sản xuất phân bón đã song phẳng hơn khi có nghị định Chính Phủ ban hành. Đồng thời các doanh nghiệp bắt đầu bước vào ngành cũng phải đầu tư bài bản, căn cơ không thể “cuốc, xẻng” như trước đây. Điều này đồng nghĩa đem lại nhiêu lợi ích cho khách hàng, nông dân yên tâm hơn nhiều không còn phải lo lắng, phân bón giả thật làm ảnh hưởng đến mùa màng.

 

- Thêm một câu hỏi thay cho lời kết: Điều ước của anh trước thềm năm mới là gì?

 

Làm người ai cũng tham vọng, ngay cả điều ước cũng muốn ước thật nhiều. Với tôi sự nghiệp kinh doanh lấy làm trọng. Tôi hy vọng Nhà máy mới phân bón Hà Lan phát huy tối đa công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý nhất, đáp ứng kịp nhu cầu của bà con nông dân.

 

- Xin cảm ơn ông  và chúc công ty phát triển bền vững !

Theo diễn đàn doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo