Thị trường

Chấm dứt tình trạng lãnh đạo tỉnh lên Bộ “xin” giao dự toán thấp

(DNVN) - Bộ Tài chính cần có biện pháp nhắc nhở về ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ với một số đơn vị và các công chức được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ để quá hạn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 diễn ra ngày 30/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Chính phủ về kết quả kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Theo đó, với Bộ KH&ĐT, theo thống kê trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, từ ngày 1/1/2016 đến 22/8/2016, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao là 241. Trong số 87 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện, có 73 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 14 nhiệm vụ đã quá hạn chưa thực hiện.

Số liệu trên cho thấy, số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn của Bộ còn nhiều, ngay trong số 73 nhiệm vụ đã hoàn thành có tới 63 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn (chiếm 86,3%).

Với Bộ Tài chính, kiểm tra cho thấy, Bộ Tài chính triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao khá tốt, số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn chỉ chiếm 5% trên tổng số 170 nhiệm vụ được giao. Trong số 100 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 95 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 5 nhiệm vụ chưa thực hiện.

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại cuộc làm việc ngày 26/8. Ảnh: VGP.

Sau khi rà soát, trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, không né tránh, đoàn kiểm tra đánh giá nguyên nhân của việc chậm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ tại hai bộ, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính khắc phục một số hạn chế, yếu kém và tiếp tục làm tốt một số nhiệm vụ.
Đáng chú ý, đối với Bộ Tài chính, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cần có biện pháp nhắc nhở về ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ với một số đơn vị và các công chức được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ để quá hạn. Phải chủ động và quyết liệt hơn trong đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan trong việc xử lý các vấn đề có tính liên ngành. 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục thay đổi cách lập, duyệt dự toán thu ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế. Chấm dứt tình trạng lãnh đạo địa phương lên “xin” giao dự toán thấp để có phần vượt thu cao so với dự toán. Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thuế, hải quan, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của ngành thuế, hải quan.

Đối với 5 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, Bộ trưởng Tài chính trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng lãnh đạo, chuyên viên của từng đơn vị, xác định rõ thời gian hoàn thành; đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trong hạn theo tinh thần không chờ đến hạn mới thực hiện.

Theo đó, Bộ cần khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thể chế, chính sách, đặc biệt là việc xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, Nghị định về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017…

 

Đối với các nhiệm vụ có vướng mắc về cơ chế, chính sách hoặc thời gian giao không đảm bảo, không thể thực hiện được do thiếu các điều kiện về nguồn lực thì hai Bộ phải kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và đề xuất biện pháp xử lý, điều chỉnh, đặc biệt là các nhiệm vụ có tính cấp bách, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo