Chặn đà lạm phát thành công
CPI khó vượt quá 7%
Trước hết, cần nhìn lại diễn biến về thị trường và công tác điều hành giá của một năm đầy khó khăn, phức tạp, bất lợi, khó lường. Chính phủ đã xác định tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống dân sinh. Hàng loạt giải pháp đã được áp dụng, dưới sự theo dõi sát sao và điều hành linh hoạt của Chính phủ. Kết quả, sau một vài tháng CPI tăng ở mức vừa phải thì đã được kìm hãm liên tục, hiệu quả. Giá cả thị trường tại các đô thị lớn đã được kiểm soát chặt chẽ và diễn tiến đúng định hướng, kịch bản chung của Chính phủ, nhất là thời gian cuối năm.
Cụ thể, CPI tháng 12 của Hà Nội tăng 0,26% so với tháng trước và cả năm tăng 6,29%. Bình quân cả năm, CPI của Hà Nội chỉ tăng ở mức 1 con số, (8,57% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là kết quả ngoạn mục, bởi thấp hơn nhiều so với dự báo. Nhóm hàng giáo dục tăng mạnh nhất, đạt hơn 12,5%, tiếp đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng. Các nhóm khác, kể cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - vốn là đối tượng "bị" cho là cần đề phòng về khả năng tăng vọt đã không diễn ra như vậy. Điều này cho thấy sự điều hành, chỉ đạo của cấp vĩ mô đã đạt ý đồ, bởi lẽ việc "điều trị" nhóm hàng này luôn khó khăn, phức tạp và cần sự tỉnh táo hơn nhiều so với các nhóm hàng khác. Bưu chính viễn thông là nhóm duy nhất giảm 0,62% so với năm 2011, khẳng định tính ưu việt khi cho phép các doanh nghiệp tự do cạnh tranh, nên biểu đồ giá dịch vụ đã liên tục "đi ngang" hoặc giảm.
Tháng 12-2012, CPI trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 0,17% so với tháng trước. Như vậy, cả năm 2012, CPI tại đây chỉ tăng 4,07%, rất thấp đối với một đô thị lớn, sôi động nhất nước. Nhìn chung, các nhóm hàng được kiềm chế mức tăng giá, kể cả nhóm hàng ăn, lương thực, thực phẩm cũng chỉ tăng nhẹ bởi nguồn cung dồi dào, ổn định.
Dù chưa có con số chính thức về CPI cả nước năm 2012 nhưng nếu xét ở mức tăng là 6,52% trong 11 tháng qua kết hợp với thực tế thị trường tháng 12 vẫn ổn định thì có lẽ mức tăng CPI năm nay sẽ khó vượt quá 7% đạt yêu cầu của Quốc hội đề ra.
Hướng tới một năm tiếp tục ổn định
Các chuyên gia cho rằng, điều hành chỉ số giá theo hướng tích cực, kìm hãm được đà lạm phát luôn là một yêu cầu khó, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Năm 2013, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với tình trạng sản phẩm tồn kho nên sức tiêu thụ và tham gia thị trường với vai trò là một khách hàng cũng sẽ bị hạn chế. Tình hình thị trường sẽ khó sôi động hơn hiện tại bởi thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động đang tiếp tục đà giảm sút bên cạnh làn sóng cắt giảm lao động. Gần 1 triệu người thất nghiệp trong năm 2012 cũng là tác nhân góp phần gây ra sự trầm lắng của thị trường trong năm 2013. Để thúc đẩy sức tiêu thụ thị trường, cơ quan chức năng, doanh nghiệp đang nỗ lực hâm nóng đời sống thương mại, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", khơi thông thị trường khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là một nguy cơ, có thể xuất hiện trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn, bởi phụ thuộc vào diễn biến nguồn cung một số loại hàng hóa, nhiên liệu chiến lược. Nếu Trung Đông có biến động hoặc xung đột xảy ra thì giá xăng dầu lập tức tăng cao đẩy CPI tăng phi mã. Vì vậy, một số chuyên gia gợi ý về việc chủ động tăng khối lượng xăng dầu dự trữ quốc gia. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng ngay đến CPI là cung cấp lương thực, thực phẩm trên thị trường nội địa trong khi hai mặt hàng này lại dễ bị tăng hoặc giảm khi có biến động bất thường về thời tiết.
Tại các cuộc họp gần đây, Chính phủ tiếp tục đặt vấn đề kiềm chế lạm phát, kết hợp với khơi thông thị trường, đồng thời quyết liệt xử lý nợ xấu ngân hàng, can thiệp để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, giảm thuế cho doanh nghiệp… Hy vọng, năm 2013, CPI sẽ tăng ở mức vừa phải, không có thời điểm "sốt nóng" hay "sốt lạnh" để bảo đảm an sinh xã hội.
Việt Huế (Theo HNMO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110
Danh tiếng 'vua sầu riêng' thế giới gọi tên Việt Nam
Kinh doanh online hết thời trốn thuế
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Giá heo hơi ngày 11/1/2025: Miền Bắc vươn lên dẫn đầu với mức 69.000 đồng/kg