Chân dung các cựu lãnh đạo ngân hàng Đông Á vừa bị bắt
Như tin tức đã đưa, ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) đã có văn bản chính thức cho biết cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên lãnh đạo, cán bộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đông Á (DAB).
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á và ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Phương Bình, sinh năm 1959; chức vụ: Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, sinh năm 1970; chức vụ: Nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á về 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 165 và Điều 179 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Vinh; sinh năm 1966; chức vụ: Nguyên Giám đốc Ngân quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á; Đỗ Thanh Hùng; sinh năm 1978; chức vụ: Nguyên Thủ quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á và Lê Kiên Giang; sinh năm 1977; chức vụ: Nguyên Phụ quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Theo thông tin ban đầu, ông Bình là lãnh đạo nhưng đã không thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của mình, bỏ qua những quy định của ngân hàng, chỉ đạo cấp dưới giải ngân số tiền lớn ngoài sổ sách, không có chứng từ kế toán, để sử dụng làm ăn cá nhân.
Việc thiếu hụt quỹ của ngân hàng này bắt đầu từ năm 2007 đến nay. Do sợ bị phát hiện, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ, tự lập và duyệt các hồ sơ tín dụng khống nhằm lấp đầy các khoản bị thiếu hụt. Sau đó, dùng các thủ đoạn để xử lý các khoản vay, không trả lãi.
Ông Trần Phương Bình, sinh năm 1958, hiện cư ngụ quận 2, TP. HCM. Ông Bình từng làm Tổng Giám đốc DongA Bank từ 1998 và là Phó Chủ tịch HĐQT từ năm 2013 đến 2015. Ông Bình là một trong những người đã gắn bó với DongA Bank từ ngày đầu thành lập. Trước khi "bén duyên" với ngân hàng, ông Bình là một nhà giáo, có nhiều năm giảng dạy kinh tế, báo Dân trí đưa tin.Hơn 23 năm qua, ông Bình được xem là thuyền trưởng, người gây dựng, dẫn dắt DongA Bank và là một tên tuổi trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ông Bình là người có công lớn trong việc đưa DongA Bank trở thành ngân hàng bán lẻ, ngân hàng có hệ thống ATM tốt nhất về công nghệ. Tại Việt Nam, DongA Bank là ngân hàng đầu tiên tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp…
Trong giới tài chính, ngân hàng, vợ chồng ông Bình được xem là "đại gia kim tiền" khi chồng là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), cổ đông lớn nhất tại DongA Bank, còn vợ là Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Nửa đầu năm 2015, gia đình ông Bình gồm vợ, con và người thân sở hữu khối lượng cổ phiếu tại DongA Bank trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cùng với khối tài sản sở hữu tại PNJ, gia đình ông Bình lọt top 20 gia đình giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân là một trong số những người bị cơ quan điều tra bắt tạm giam cùng với ông Trần Phương Bình. Bà Vân đã bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ quyền, nghĩa vụ của bà với chức danh Phó tổng giám đốc DongABank.
Sinh năm 1970, bà Vân là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế TP. HCM. Sau khi tốt nghiệp, bà Vân làm thư ký Tổng Giám đốc PNJ cho bà Dung – vợ ông Bình.
Năm 1995, bà Vân được đề bạt Trưởng phòng Kinh doanh, phụ trách bộ phận thanh toán quốc tế tại DongABank. Đến năm 2001, bà được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc thường trực của DongA Bank. Bà cũng chính là em dâu của vợ ông Bình. Theo thống kê, tính đến 30/6/2014, bà nắm giữ hơn 712.000 cổ phiếu tại DongABank tương đương tỷ lệ 0,14%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo