Quốc tế

Chân dung tân Chủ tịch Ngân hàng thế giới

Hôm qua (16/4), Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chọn bác sĩ Jim Yong Kim làm chủ tịch thứ 12. Như vậy, một lần nữa người Mỹ cũng được chọn đứng đầu định chế tài chính toàn cầu này, bất chấp những thách thức trong suốt cuộc đua trước đó.

Trong suốt quá trình lịch sử phát triển kéo dài hơn 60 năm qua của WB, người Mỹ luôn dẫn dắt tổ chức này. Đây được coi là một phần trong thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây. Để đổi lại, châu Âu sẽ cử đại diện của họ nắm giữ vị trí Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).


Tuy nhiên, cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch WB lần này diễn ra khá quyết liệt giữa ông Jim do Mỹ đề cử, với các ứng viên là Bộ trưởng Bộ Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala và nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Colombia Jose Antonio Ocampo, người cuối cùng đã rút khỏi cuộc đua hồi tuần trước.


Theo Reuters, lý giải về quyết định này, ông Ocampo cho biết ông không được đất nước của mình ủng hộ do Colombia đang vận động để giành chức chủ tịch Tổ chức Lao động Quốc tế với cơ hội thành công cao hơn. Ông Ocampo rút lui song không phải là các nước đang phát triển sẽ dồn sức ủng hộ bà Iweala.



Ông Jim Jong Kim, 52 tuổi, người Mỹ gốc Hàn Quốc, hiện là Hiệu trưởng Đại học Dartmouth, một trường danh tiếng ở bang New Hampshire của Mỹ. Ông là một bác sĩ trước khi trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phát triển. Ông từng giữ chức Giám đốc Chương trình HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giáo sư trường Y khoa Đại học Havard.



Ông Jim đã vấp phải nhiều chỉ trích khi trở thành ứng cử viên cho chức Chủ tịch WB do lý lịch thiếu nền tảng tài chính của mình, khiến ông trở nên không thích hợp với vị trí này. Ông được đánh giá là một bác sĩ có uy tín trong việc phát triển các chương trình y tế công cộng cho các nước nghèo, nhưng không có bề dày tài chính như người tiền nhiệm.



Trong khi đó, bà Iweala lại là một nhà kinh tế xuất sắc, từng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành kinh tế Đại học Harvard năm 1977 và là tiến sỹ phát triển kinh tế vùng tại Học viện Kỹ thuật Massachussetts (MIT) năm 1981. Bà từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc điều hành WB (10/2007 - 7/2011), Phó Chủ tịch WB dưới thời ông James Wolfensohn.



Sau khi rời WB năm 2003, bà Iweala về Nigeria làm Bộ trưởng Kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính. Trong hơn hai năm "nắm giữ hầu bao" của Nigiêria, bà đã sa thải hàng loạt quan chức tham nhũng, tinh giản bộ máy chính quyền, trấn áp nạn lừa đảo trên mạng Internet....Tạp chí "Times" từng vinh danh bà là một trong những "người hùng" của thế giới.



Bà Iweala là ứng cử viên đại diện cho các nước đang phát triển muốn có tiếng nói lớn hơn trong lĩnh vực quản trị toàn cầu, do đó ban đầu đã gây được sức ép đáng kể đối với đối thủ tới từ Mỹ, đặc biệt là sau sự ra đi của ứng viên người Colombia. Tuy nhiên, sau đó nhiều quốc gia đã quay sang ủng hộ ứng cử viên gốc Á do Mỹ đề xuất.



Nga là nước đầu tiên trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên người Mỹ. Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định nước này ủng hộ ông Jim, các thành viên quyền lực nhất của WB như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng đã ủng hộ ứng cử viên gốc châu Á này.



WB, được thành lập năm 1944, cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính cho nhiều dự án trên toàn cầu, từ lĩnh vực y tế tới giáo dục và hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân. Chiến thắng của ông Jim Yong Kim được cho rằng xuất phát từ những ủng hộ WB nên tập trung nguồn lực của mình để nỗ lực giảm nghèo tại các quốc gia nghèo nhất thế giới.



Theo kế hoạch, ông Jim Yong Kim sẽ đảm nhiệm một nhiệm kỳ 5 năm bắt đầu từ ngày 1/7 tới khi Chủ tịch WB Robert Zoellick mãn nhiệm vào cuối tháng 6. Sau khi nhậm chức, ông Jim sẽ phải giám sát hơn 9.000 nhà kinh tế, chuyên gia phát triển... cùng danh mục các khoản cho vay lên đến 258 tỷ USD trong năm 2011.

 

Theo VnEconomy

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo