Chăn nuôi nhỏ đối mặt với khó khăn ngày càng lớn
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu của Liên minh về ảnh hưởng của cấu trúc ngành chăn nuôi tới lợi ích của người chăn nuôi nhỏ ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE - Liên minh Nông nghiệp) tổ chức ngày 18/11. Theo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp, với cấu trúc ngành chăn nuôi hiện nay thì người dân chăn nuôi nhỏ đang bị thiệt hại khi tiêu thụ sản phẩm và đầu vào. Người dân phải mua giá thức ăn chăn nuôi cao hơn giá mà đáng ra là thị trường cạnh tranh lành mạnh, khi giá thức ăn cao thì tính toán tổng thiệt hại ước tính lên đến gần 20 nghìn tỷ đồng hoặc trường hợp khi họ bán sản phẩm bị ép giá, người chăn nuôi cũng bị thiệt hại nhiều nhất.
Chăn nuôi nhỏ chịu sức ép lớn
TS. Nguyễn Văn Giáp, Trưởng nhóm nghiên cứu về chăn nuôi Liên Minh Nông nghiệp cho biết, quyền lợi của người chăn nuôi nhỏ sẽ bị sức ép rất lớn khi tham gia vào thị trường là đầu vào và đầu ra về giá thức ăn, giá bán. Với hệ thống đầu ra, họ bán sản phẩm sẽ khó khăn hơn, còn đầu vào phải mua với giá đắt, tăng cao. Đó là thiệt hại chính của người chăn nuôi nhỏ khi tham gia và thị trường.
Theo nghiên cứu của ông Giáp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đang gặp nhiều rủi ro nhất về dịch bệnh dẫn đến thiệt hại hơn so với các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Vì vậy mà vai trò kiểm soát dịch bệnh, đưa ra các giống sạch bệnh, hệ thống thú y công cần đẩy mạnh hơn. Các hộ chăn nuôi nhỏ họ không thể giải quyết được vấn đề dịch bệnh lớn của cả ngành, khi đó vai trò của nhà nước là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, phải nói đến sự phát triển mạnh của thị trường chăn nuôi nước ta hiện nay có đóng góp không nhỏ từ doanh nghiệp FDI, họ là nhà tiên phong để phát triển thị trường thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp FDI góp phần phát triển thị trường chăn nuôi, chuyển từ mô hình truyền thống nhỏ lẻ trong gia đình sang trang trại với quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của nước ta đang bị phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài từ giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Khi ra nhập TPP, ngành chăn nuôi sẽ bị tác động và thiệt hại lớn về thuế nhập khẩu giảm xuống, thịt nước ngoài sẽ vào thị trường ta, lợn, gà Mỹ sẽ vào cạnh tranh làm chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng về giá. Vào TPP thì thuế thức ăn nhập khẩu giảm kéo theo giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm, có cả mặt lợi và hại, nhưng theo nhiều chuyên gia thì mặt hại sẽ lớn hơn và thiệt hại đó sẽ rơi vào nhóm hộ nông dân nhỏ và các hộ chăn nuôi quy mô lớn sẽ không bị thiệt hại nhiều, thậm chí còn có lợi ích nhất định.
Ông Giáp đánh giá, vào TPP thì thịt sẽ nhập khẩu, thuế nhập khẩu giảm gây ra sức ép cạnh tranh lớn, trực tiếp đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, đã khó khăn về thị trường thì nay càng khó khăn hơn. TPP sẽ làm lợi cho hộ chăn nuôi lớn, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ tiếp cận được nguồn nguyên liệu rẻ hơn và khả năng cạnh tranh của họ tăng nên để thay thế các hộ chăn nuôi nhỏ.
Nông dân mất quyền vì phụ thuộc
Ông Lương Hồng Đoán, đại diện nông dân đến từ tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Với các hộ nông dân, khó khăn mà họ gặp phải trong chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đó là tiếp cận với dịch bệnh để phòng ngừa cho đàn gia súc, gia cầm, do không có kiến thức và công tác tập huấn từ trước.
Theo ông Đoán, người nông dân sản xuất ra sản phẩm của mình thì thiếu hai quyền đó là, quyền đi mua thực phẩm không được trả giá và quyền bán ra cũng không được quyết định giá.
Trong khi đó, người chăn nuôi hiện nay được tiếp cận với khoa học kỹ thuật và chuỗi an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chăn nuôi tốt hơn, sẽ cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch như thịt heo, thịt gà không dùng thuốc tăng trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là quy trình mà những người nông dân tham gia thực hiện rất tốt và cung cấp ra cho thị trường sản phẩm thịt sạch, đảm bảo cho người tiêu dùng.
“Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, đầu tư cho người chăn nuôi nhỏ lẻ được tiếp cận vay số vốn để phát triển đàn chăn nuôi, nên rất khó khăn để phát triển. Về đầu ra là nhà nước làm sao để liên kết người nông dân chăn nuôi với các nhà tiêu thụ, chế biến sản phẩm tạo nên chuỗi giá trị từ người sản xuất đến chuỗi lò mổ và sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ cho người nông dân về tiếp cận khoa học kỹ thuật, ổn định giá cả thức ăn cho người nông dân” ông Đoán kiến nghị.
Cần có những chính sách linh hoạt hơn
“Hiện nay, các chính sách đề ra chủ yếu cho người kinh doanh quy mô lớn còn với chăn nuôi quy mô nhỏ, tập trung thì không có chính sách can thiệp hay giúp đỡ người chăn nuôi. Do đó, chính sách nhà nước cần phải chuyển sang người chăn nuôi nhỏ nhiều hơn. Quan trọng nhất là giúp người dân tăng được sức mạnh tổ chức, nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như hiểu biết về chăn nuôi. Đồng thời, cần phải điều chỉnh những bất cập của thị trường để đem lại quyền lợi cho người chăn nuôi nhỏ” ông Giáp nói.
Nếu chúng ta không điều chỉnh cấu trúc thị trường, người chăn nuôi nhỏ sẽ bị giảm hoặc sẽ mất đi, lúc đó thì số lượng hộ chăn nuôi lớn sẽ tăng lên và chiếm ưu thế, doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn hơn. Không có sự điều chỉnh sẽ gây thiệt hại chung toàn xã hội, khi thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn thì người dân sẽ sản xuất nhiều hơn các sản phẩm hàng hóa có giá cả hợp lý, thấp hơn khi đó cả xã hội sẽ được lợi.
Giải pháp mà ông Giáp đưa ra để tính toán cho người chăn nuôi đó là, nhà nước phải có chiến lược chăn nuôi cụ thể hơn, đặt vai trò của người chăn nuôi nhỏ trong chiến lược đó và quan hệ với chăn nuôi quy mô lớn. Với chiến lược hiện nay thì người chăn nuôi quy mô nhỏ chưa có vị trí trong kế hoạch chiến lược phát triển chăn nuôi của ngành.
Nhà nước cũng cần phải tìm hiểu sâu hơn về thị trường đầu vào, đầu ra tìm ra những hạn chế về cạnh tranh, biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh cần phải điều chỉnh hành vi đó để đem lại lợi ích cho tất cả người tham gia thị trường, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ.
Đối với người chăn nuôi nhỏ thì cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, hộ chăn nuôi nhỏ cần được tập huấn, trau dồi kiến thức và nâng cao trình độ trong chăn nuôi. Không nên để họ bị động trước luồng thông tin của thị trường, doanh nghiệp. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ cần phát triển tổ chức để thông qua đó họ tiếp cận thông tin và qua đó bảo vệ quyền lợi của mình.
Để hộ chăn nuôi nhỏ phát triển được thì hệ thống thông tin thị trường phải được minh bạch, cạnh tranh thông tin thị trường đầu vào thức ăn chăn nuôi, thị trường thuốc thú y minh bạch, thông tin tốt hơn cho người dân để họ nắm bắt được tình hình. Khi người dân lựa chọn được sản phẩm sạch có chất lượng thì sản phẩm đó có chỗ đứng trên thị trường, trong xã hội. Còn khi thị trường không sạch, các sản phẩm không lành mạnh, chất lượng thấp lại được đưa nhiều ra thị trường, với sự cạnh tranh đó thì người dân muốn kinh doanh, chăn nuôi tử tế sẽ không có đất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo