Xã hội

Chấp hành an toàn giao thông là 1 tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức

Phấn đấu hàng năm giảm 5 - 10% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ; giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn...

 Đây là một trong những nội dung của Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định phê duyệt.

Theo đó, chiến lược an toàn giao thông đường bộ nhằm thiết lập và duy trì trật tự xã hội trong lĩnh vực giao thông vận tải, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông; bảo đảm hệ thống giao thông vận tải hoạt động thông suốt phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng cải tạo các đoạn tuyến quốc lộ theo các giải pháp đề xuất của chương trình đánh giá an toàn giao thông đường bộ quốc tế, nâng cao các điều kiện an toàn mạng lưới giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng các tuyến đường trên cao, hướng tâm, vành đai tại các thành phố lớn...

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên các nguồn lực đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân.

Đối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và ưu tiên đầu tư phát triển phương tiện vận tải đô thị khối lượng lớn; tổ chức làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy; xây dựng hệ thống cầu vượt nhẹ bằng thép cho xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô có tải trọng nhẹ...

Chiến lược cũng định hướng trong việc đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp, theo các chuyên đề. Đưa nội dung này vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.

Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên. Đồng thời, thực hiện thường xuyên "Năm an toàn giao thông", "Tháng an toàn giao thông" và "Tuần an toàn giao thông" theo các chủ đề cụ thể.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VietNamNet)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo