Chấp nhận đau để chống lạm phát
Lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam, và Việt Nam chưa trả giá nào cho chống lạm phát nên chưa cứu được lạm phát, theo đó, muốn chống được lạm phát phải “hy sinh” tăng trưởng kinh tế.
Chưa trả giá cho chống lạm phát
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam là nghiện đầu tư, thèm dự án,
ham tăng trưởng… đã ăn sâu vào cơ cấu bên trong. Ông Thiên nhận định, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô và chống lạm phát còn quá nặng tính hành chính (định lãi suất, kiểm soát giá, niêm yết giá, định giá bắt buộc, lập quỹ bình ổn tràn lan…), chỉ có tính chữa cháy.
Ông Thiên còn trích lời TS Vũ Thành Tự Anh - Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright nói rằng, lạm phát ở Việt Nam đã mua được vé khứ hồi, vì nó xuất hiện có tính chất chu kỳ, lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì thế, lạm phát rơi vào vòng xoáy “khứ hồi” là nguy cơ luôn hiện diện làm đình trệ nền kinh tế.
Theo Ts Lê Đăng Doanh, điều đó chứng tỏ chúng ta chưa xác định chính xác nguyên nhân sâu xa dẫn đến lạm phát và các phương thuốc chống lạm phát chưa chữa trị được căn nguyên dẫn đến lạm phát.
“Chúng ta chưa trả cái giá nào cho chống lạm phát nên không cứu được lạm phát”.
TSKH. Võ Đại Lược, thành viên Hội đồng Khoa học, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, vấn đề lạm phát ở Việt Nam không chỉ bắt nguồn từ chính sách tài chính tiền tệ, mà còn bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng. Do vậy, nếu chưa có giải pháp cơ bản để tái cấu trúc nền kinh tế thì dù có giảm được lạm phát cũng chỉ có thể kéo dài một thời gian, nguy cơ tái lạm phát do mô hình tăng trưởng lỗi thời vẫn còn là một thách thức.
TS. Phạm Đỗ Chí, Chuyên viên cao cấp chương trình StarPlus/USAID cho rằng, mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ làm giảm nhu cầu trong khu vực tư nhân nhưng nó chưa đủ mạnh để có thể kéo giảm tổng cầu trong cả nền kinh tế. Đó là nguy cơ chính đẩy lạm phát tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu mới nhất, chi ngân sách tám tháng đầu năm đang “phình to”. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khó có thể cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ông Thiên thì cách thức điều hành vĩ mô và chống lạm phát nặng về hành chính, có tính chất chữa cháy nên ít có hiệu quả trên thực tế. Căn bệnh của nền kinh tế - nghiện đầu tư, thèm dự án, đói tài nguyên đã ăn sâu vào cơ cấu bên trong, trở thành căn bệnh cơ cấu.
Thời gian qua, chúng ta càng đầu tư thì tăng trưởng càng giảm và lạm phát càng tăng. Nguy cơ vòng xoáy lạm phát - đình trệ đã bắt đầu xuất hiện. Và sau năm năm lạm phát và lãi suất cao, sức khỏe nền kinh tế và doanh nghiệp bị suy giảm, lòng tin bị xói mòn nghiêm trọng.
Ông Thiêm cũng đưa ra nguyên nhân dẫn đến “căn bệnh” của nền kinh tế hiện nay là hệ thống phân bổ nguồn lực có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Ông Thiên dẫn chứng, GDP cả nước chỉ có 100 tỷ USD mà phải “gồng gánh” tới 100 cảng biển, trong đó 20 cảng quốc tế; 100 ngân hàng thương mại; 22 sân bay (tám sân bay quốc tế); 18 Khu kinh tế ven biển; 27 khu kinh tế cửa khẩu; 260 khu công nghiệp; 650 cụm công nghiệp. Câu hỏi mà ông Thiên đặt ra nhưng chưa có lời giải là: Ai sản xuất GDP và sản xuất bao nhiêu? Ai nuôi ai? Nền kinh tế nuôi khu kinh tế và khu công nghiệp hay ngược lại?
Không nên sợ doanh nghiệp phá sản
Theo các chuyên gia ở hội thảo thì muốn chống lạm phát phải “hy sinh” tăng trưởng kinh tế. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đề nghị kéo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 xuống còn 5% thay vì 6 -7%. Trong khi đó, TSKH.
Võ Đại Lược khẳng định, muốn giảm lạm phát đồng thời phải giảm tăng trưởng và ông đề nghị cần mạnh dạn kéo chỉ tiêu tăng trưởng năm 2012 xuống mức 4%.
Đúc kết vấn đề, TSKH.Võ Đại Lược khẳng định, công cụ quan trọng nhất để chống lạm phát là lãi suất thực dương. Trong khi đó, ngân hàng nhà nước lại định trần lãi suất huy động 14%, nghĩa là lãi suất huy động đã âm. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đã không theo lãi suất này, mà họ huy động tiền với lãi suất thực tế là 16 – 17%. Nếu so với mức lạm phát 20% thì mức lãi suất huy động này vẫn còn âm. Chính vì vậy, giải pháp chống lạm phát hiện nay đang bế tắc, rất khó chống, mà chỉ có thể từng bước kéo giảm.
Vậy Việt Nam đã thực sự tái cấu trúc nền kinh tế chưa, trong khi cụm từ “tái cấu trúc nền kinh tế” đã được đặt ra từ nhiều năm trước. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta phải gạt bỏ mặc cảm để chỉ ra những khiếm khuyết của nền kinh tế, đi sâu vào bản chất bên trong mới có thể “trị” được tận gốc.
Để tái cấu trúc nền kinh tế, theo ông Thắng, phải bắt đầu từ cấu trúc quy hoạch; cấu trúc đầu tư; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước (cả tư nhân), mổ xẻ những yếu kém; cấu trúc lại bộ máy quản lý… Tâm lý “sợ” doanh nghiệp bị phá sản cũng đã làm cản trở sự phát triển lành mạnh. Có chuyên gia cho rằng, không nước nào sợ doanh nghiệp phá sản như Việt Nam, “doanh nghiệp phá sản cứ để phá sản, rồi thành lập doanh nghiệp mới là chuyện bình thường ở các nước”, ông Thắng cho biết.
Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 5 giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm: tái cấu trúc đầu tư, đặc biệt là đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống tài chính – tiền tệ; tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp, trọng tâm là khu vực doanh nghiệp Nhà nước; tái cấu trúc hệ thống thị trường, mà bức xúc nhất là thị trường bất động sản; và cuối cùng là tăng cường năng lực thể chế của hệ thống kinh tế.
Ông Chung lưu ý, trước tình hình lạm phát có xu hướng bùng phát trở lại, giá vàng tăng đột biến và VNĐ bị mất giá nhanh chóng là các tín hiệu cho thấy nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường trước.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không thể tiếp tục kế hoạch năm năm 2011 - 2015 như đã thông qua với các mục tiêu tăng trưởng 8%, công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ cao.
Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cấu trúc và cải cách toàn diện trong ít nhất hai năm 2012 - 2013 trước khi tiếp tục thực hiện mục tiêu của kế hoạch năm năm. Mục tiêu của kế hoạch 2012 - 2013 là giảm lạm phát, giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu và cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Tùng Chi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg